Khi dự án thủy điện sắp vận hành và tích nước, vai trò của hầm dẫn dòng kết thúc, chủ đầu tư sẽ phải hoành triệt đường hầm này để nước không chảy qua được. Về nguyên tắc, việc hoành triệt chỉ được tiến hành trong mùa khô còn trong mùa lũ, cửa van của hầm dẫn dòng phải luôn mở để cho nước lũ chảy qua. Trong sự cố vừa qua, do cửa van đóng, nước lũ tạo ra sức ép làm vỡ cửa van gây ra sự cố.
“Tôi không hiểu sao đang là mùa lũ mà chủ đầu tư lại đóng cửa van hầm dẫn dòng. Về mặt kỹ thuật lẫn kinh nghiệm làm đập thủy điện, không ai dám đóng cửa ống dẫn dòng vào mùa này”, ông Hồng nói. Theo vị chuyên gia này, có khả năng đơn vị thi công đã chịu một sự thúc bách nào đó về mặt tiến độ như muốn tích nước sớm nên đã tiến hành hoành triệt đường hầm ngay trong mùa lũ và gây ra sự cố trên.
* Tập đoàn Điện lực Việt Nam chiều 15/9 cho biết, sau sự cố tại Thủy điện Sông Bung 2 xảy ra, Tổng công ty Phát điện 2 (GENCO2) và Ban quản lý dự án Thủy điện Sông Bung 2 đã phối hợp với UBND xã La Êê (huyện Nam Giang, Quảng Nam) thăm hỏi và động viên, hỗ trợ ban đầu thực phẩm và tiền cho 3 gia đình chịu ảnh hưởng của sự cố và tiếp tục kiểm kê, đánh giá để tiến hành khẩn trương đền bù nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng. GENCO2 và nhà thầu là Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 đã thuê thợ lặn và phối hợp với Ban chỉ huy cứu nạn, cứu hộ địa phương tích cực tìm kiếm 2 công nhân mất tích trong sự cố.
Theo N.Hoài-P.Tuyên (Tiền Phong)