Người dân các tỉnh đầu nguồn sông Mekong ở miền Tây đang đón lũ về sớm hơn mọi năm khoảng hơn một tuần. Chị Huỳnh Thị Sương ở An Phú (An Giang) cho biết mỗi ngày nước lên 10 cm.
Hơn một tuần qua, người dân các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long ở miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, bắt đầu đón lũ. Nhiều cánh đồng của tỉnh An Giang - nơi giáp biên giới Campuchia như xã An Phú, Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên), Vĩnh Tế, Vĩnh Hội Đông, Phú Hội (An Phú) và các xã thuộc thị xã Tân Châu đều ngập trong nước.
Mưu sinh mùa lũ
Bên ngoài đê bao ngăn lũ, nơi chính quyền địa phương khuyến cáo không gieo trồng nông sản trong mùa lũ đã có hàng chục ha lúa và hoa màu bị lũ nhấn chìm. Trong khi đó, nhiều gia đình chuyên sống bằng nghề giăng câu, thả lưới vùng đầu nguồn thì tất bật cho những công đoạn cuối cùng để bắt đầu cuộc mưu sinh mùa lũ.
Hiện, nước đã tràn qua nhiều bờ ruộng của những cánh đồng vừa thu hoạch lúa được hơn chục ngày ở xã Vĩnh Hội Đông (An Phú, An Giang). Nhiều nhóm nông dân ở đây đang tất bật cắm cây để vây lưới đặt dớn (một dụng cụ đánh bắt thủy sản).
"Mỗi ngày nước lên khoảng một tấc và màu nước đẹp lắm. Lũ về là lúc nông dân ít đất sản xuất như gia đình tôi bắt đầu có thêm thu nhập nhờ tôm, cá", anh Thạch Thanh Kha chia sẻ.
Trong khi đó, tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), nước lũ lên nhanh hơn cùng kỳ mọi năm khoảng 30 cm. Lũ về sớm khoảng 2 tuần đã gây khó khăn cho nông dân trồng lúa và hoa màu, nhất là những vùng chưa có đê bao kiên cố ở xã biên giới như Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Lạc, Thường Phước 1 và một số khu vực bãi bồi thuộc các xã cù lao ven sông Tiền.
Chị Võ Thu Trang (ngụ xã Thường Phước 2) cho biết vừa thua lỗ liên tiếp hai vụ hoa màu trước đó nên vụ này gia đình trồng bí rợ, với hy vọng gỡ gạc lại vốn. Tuy nhiên, bí vừa ra bông thì nước lũ về nhanh khiến gia đình chị Trang lo lắng.
Hiện, xã Thường Phước 2 có hơn 17 ha hoa màu (bắp, bí rợ, dưa hấu) tại khu vực bãi bồi ấp 1 và ấp 2 đang bị nước lũ đe dọa nhấn chìm. Dù chưa đến ngày nhưng người dân phải thu hoạch sớm để giảm thiệt hại.
Kiểm tra tình hình lũ và công tác phòng, chống lụt bão tại huyện An Phú chiều 31/7, Phó bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Anh Kiệt chỉ đạo ngành chức năng chủ động phòng chống, gia cố đê bao và triển khai các điểm giữ trẻ mùa lũ, đảm bảo an toàn cuộc sống người dân.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện An Phú (An Giang), những ngày qua người dân và các lực lượng chức năng đã thu hoạch gần như toàn bộ diện tích lúa và hoa màu ngoài đê bao, nhưng vẫn có 40 ha bị mất trắng. Tại xã Vĩnh Hậu còn 46,45 ha màu chưa thu hoạch, dự kiến đến 10/8 mới thu hoạch xong.
Nguồn lợi thủy sản đang phát triển
Trao đổi với Zing.vn sáng 1/8, ông Khương Lê Bình, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, cho rằng lũ về sớm có thể ảnh hưởng đến hoa màu ở vùng thấp, nằm ngoài đê. Đến giữa tháng 8, lũ sẽ đạt báo động 1, tức cao hơn hiện nay nửa mét.
"Người dân đang tích cực thu hoạch lúa và hoa màu vùng ngoài đê bao, còn ở trong đê bao thì không nguy hiểm. Chúng tôi đánh giá lũ năm nay tương tự năm trước, nếu lũ chính vụ lên 4 m thì tốt", ông Bình nói.
Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, cho biết báo cáo từ các huyện, thị cho thấy lũ chưa gây thiệt hại. Hiện, Đồng Tháp có lúa hè thu muộn đang chín, ở 5 huyện, thị phía bắc là thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, thị xã Tân Hồng, huyện Tam Nông, Thanh Bình. Khoảng 10-15 ngày nữa sẽ thu hoạch xong vụ lúa này nên ngành nông nghiệp Đồng Tháp nhận định không bị thiệt hại.
"Bà con đang đón lũ, nguồn lợi thủy sản phát triển tốt. Lũ lên sớm so với năm trước nhưng bình thường vì nước ở Tân Châu mới lên 3,02 m vào hôm 31/7. Mực nước này thấp hơn báo động 1 đến 48 cm. Nước đỏ, phù sa nhiều và lũ về là mừng. Theo dự báo, đỉnh lũ năm nay có thể đạt báo động 2 ở Tân Châu, lên 4 m", ông Hùng khẳng định.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp Nguyễn Văn Công, mực nước lên nhanh từ hôm 28/7. Mỗi ngày, mực nước tại các huyện đầu nguồn như Hồng Ngự, Tân Hồng tăng từ 6-10 cm.
"Những ngày tới, triều cường rút thì mực nước sẽ giảm. So với cùng cùng kỳ năm ngoái, mực nước hiện nay thấp hơn khoảng 2 cm và không đáng lo ngại", ông Công nói.Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá rằng chuyện vỡ đập thủy điện ở Lào chỉ làm nước lũ cao thêm vài cm. Do vụ vỡ đập này nên có ít nhất 5 đập thủy điện khác ở phía bắc Lào sợ vỡ nên đã xả nước. Đây là một trong những yếu tố làm lũ về sớm, trùng với mưa lớn ở Lào và con nước "rong" ngày rằm mà người dân miền Tây chứng kiến hàng tháng.
"Lũ lên như thế này thì không vấn đề gì, bởi hiện nay vẫn chưa đạt báo động 1. Vấn đề ở đây là An Giang, Đồng Tháp, Long An lúa đang chín, có thể bị ảnh hưởng nhưng không phải thảm họa của đồng bằng. Hiện, lũ chỉ ảnh hưởng đến một số khu vực đầu nguồn chứ không phải cả miền Tây", vị chuyên gia chia sẻ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, 10 ngày qua mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên dần. Trong 10 ngày tới, nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 10/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu 3,5 m, đạt báo động 1 (BĐ1); trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,9 m. Trong 5 ngày tiếp theo, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên.
Trong khi đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết mực nước lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đang lên và còn diễn biến phức tạp. Do lũ thượng nguồn về, trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm do triều thấp. Đến ngày 8/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên 3,35 m, dưới BĐ1 là 0,15 m. Trên sông Hậu, tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75 m, dưới BĐ1 là 0,25 m.
Theo Việt Trường- Minh Anh (Tri Thức Trưc Tuyến)