Vợ chồng giận nhau cả tuần vì thiếu nước sạch

24/08/2015 16:30:46

Tình trạng thiếu, mất nước sạch đang gây bức xúc và làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân trên địa bàn Thủ đô trong suốt 10 ngày qua.


Chiều 22/8, theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, người dân vẫn chưa có nước sinh hoạt để dùng hoặc có nhưng ít và chất lượng nước không đảm bảo. Ông Khoa (sống tại ngõ 102, phố Pháo Đài Láng) cho biết, gần nửa tháng nay gia đình ông và các hộ dân sống xung quanh phải dùng nguồn nước giếng khoan để sinh hoạt hàng ngày. “Nhà ai có điều kiện thì mua được các thiết bị lọc đảm bảo. Không có thì cứ thế bơm lên dùng trực tiếp. Vẫn biết là không đảm bảo an toàn nhưng phải “nhắm mắt” dùng thôi. Đợi nước sạch biết đến bao giờ?”, ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, thường thì từ 3-4h sáng, nước sạch sẽ được cấp “chớp nhoáng”. Vì thế, nếu muốn có nước sạch đánh răng, rửa mặt và nấu ăn thì phải dậy vào thời gian đó để “canh”. Gia đình ông đã mua một chiếc máy hút nước nhưng nước vào rất chậm. Nhiều hôm mất công thức trắng đêm để trực mà nước không về!

Mất nước khiến cuộc sống của người dân khốn đốn, phải tích từng chậu nước nhỏ để dùng dần. Ảnh N.Mai
 
Những ngày qua, gia đình chị Đặng Thu Oanh (thuê nhà ở khu vực Đình Thôn, Nam Từ Liêm) cũng trong tình trạng mất ăn mất ngủ vì không có đủ nước sinh hoạt để dùng. Chị Oanh than thở: “Khu vực nhà tôi sống thỉnh thoảng vẫn mất nước nhưng lần này là lâu nhất, kéo dài cả tuần lễ. Nước cho thì nhỏ giọt, tích mãi cũng chỉ được mấy chai Lavie 5 lít để đánh răng. Cơm không nấu, nhà không lau, chạy đôn chạy đáo để đi tắm nhờ. Mọi sinh hoạt đều phải hạn chế, vô cùng bất tiện. Thời tiết thì nóng bức, bí bách trong người lại không có nước để dùng. Nhiều lúc tôi như muốn bốc hỏa”.

Chị Lê Thị Huế (sống tại khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì) cũng trong tình trạng tương tự. Chị đi làm từ sáng đến tối muộn mới về nên không có thời gian ở nhà để trực nước. Lúc sáng trước khi đi làm, chị có mở khóa vòi để khi có nước thì sẽ tự động chảy. Cứ nghĩ là đang mất nước sẽ không chảy được nhiều nên chỉ hứng bằng chậu nhỏ. Ai ngờ, khi chị Huế đang ở chỗ làm thì được hàng xóm gọi điện giục về khóa van nước vì sợ nước tràn ra ngoài. “Lúc đó tôi mới cuống lên. Mất gần 30 phút để “phi” từ cơ quan cách đó hơn 10 cây số về nhà xem tình hình thế nào, ai ngờ về đến nơi thì nước đã bị tắt ngúm. Đúng là mất công, mất việc mà không giải quyết được gì”, chị Huế thở dài.

“Sứt mẻ” tình cảm vì… một ca nước

Bên cạnh việc phải bỏ tiền mua nước sinh hoạt, đi tắm nhờ hay thức đêm thức hôm để chờ nước, nhiều gia đình còn xảy ra tình trạng “nội bộ lục đục” xung quanh câu chuyện nước sạch.

Bà Hồng (trú tại ngõ 148 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) cho biết, sau chuỗi ngày khốn đốn vì nước sạch, đến ngày 19/8 vừa qua thì các hộ dân trong con ngõ này đã có nước sạch trở lại. Tuy nhiên, nước chảy yếu và đôi lúc còn có cặn. Dù đã có nước sinh hoạt nhưng con trai và con dâu bà vẫn đang trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” vì chuyện mất nước.

Bà Hồng cho biết: “Hai hôm đầu mất nước, nhà tôi vẫn cố xoay sở dùng tiết kiệm chỗ nước đã tích trữ vì nhà có trẻ nhỏ nên lượng nước dùng nhiều hơn so với các gia đình khác. Đến ngày thứ ba thì tôi phải mua nước đóng bình về dùng. Mỗi ngày dùng tiết kiệm cũng hết vài bình”.

Bà Hồng kể, thấy xót tiền, các con bà quyết định mua thùng phuy để đi chở nước từ nhà họ hàng về dùng. Đi làm về mệt, con trai bà lại phải chạy xe cách đó gần chục cây số để chở nước nên sinh ra cáu gắt. Thấy vợ tắm cho các con lãng phí nước nên anh chồng có “nhắc nhở” phải biết tiết kiệm, không được sẵn tay. Thế là vợ chồng to tiếng và “chiến tranh lạnh” cả tuần nay. “Chuyện thực ra không có gì đáng nói nhưng cũng do thời tiết oi bức cộng thêm việc mất nước kéo dài nên tính khí cũng có phần thất thường. Hi vọng hai con sẽ nhanh làm lành với nhau”, bà Hồng tâm sự.

Mất nước cũng khiến tình cảm giữa nhiều bạn sinh viên trong cùng khu trọ bị “sứt mẻ”. Trần Thúy Linh, sinh viên ĐH Lao động - Xã hội kể: “Bọn em ở 3 người, thuê phòng ở gần trường. Bên cạnh có một phòng nữa, ở 4 người. Hai phòng dùng chung một nhà vệ sinh. Khi được chủ nhà thông báo mất nước, chúng em đã phân công nhau ở nhà trực để tích nước dùng dần. Bao nhiêu xô, chậu của hai phòng được huy động mang ra dùng hết”. Linh cho biết, số nước tích được cũng chỉ đủ để nấu cơm, đánh răng, rửa mặt. Muốn tắm là phải “sơ tán” sang nhà bạn ở khu có nước. Quần áo tích đống vì không có nước giặt. Đi học cũng phải thấp thỏm xem ở nhà đã có nước hay chưa...

Nhưng điều làm Linh thấy khó chịu không phải là mất nước lâu mà là thái độ thiếu hợp tác của 4 người bạn phòng bên cạnh. Trong khi Linh và các bạn cùng phòng không dám dùng nhiều nước thì các bạn phòng bên “vô tư” dội nước ào ào từ những chậu nước tích trữ. “Nước chỉ chảy nhỏ giọt, hứng rất lâu mới được một chậu mà các bạn ấy còn mang ra để rửa bát, giặt quần áo một cách rất lãng phí. Đến khi chúng em muốn đi vệ sinh cũng phải “để dành”… đến trường, vậy mà các bạn ấy dùng lãng phí quá”, Linh bức xúc kể lại.

Chiều 21/8, người dân sống tại ngõ 102 phố Pháo Đài Láng vì quá bức xúc do tình trạng mất nước quá lâu đã dán một bản “cáo phó nước” với nội dung: “Có bơm nước hay không thì phải báo cáo cho dân biết…”. Không riêng ở phố Pháo Đài Láng, đây là nỗi bức xúc của nhiều người dân Hà Nội đang phải lo nước để sinh hoạt từng ngày.

>> Người Hà Nội đổ xô đi xách nước miễn phí

Theo Mai Thùy  (Giadinh.net.vn)

Nổi bật