Ăn cùng nhau, sống cùng nhau thậm chí ngủ cùng nhau nhưng chuyện "yêu" thì phải nhịn, nhiều hôm đánh liều chờ mọi người đi làm hết mới dám "hành động", còn không thì ngậm ngùi bỏ ra ngoài thuê nhà nghỉ... Đó là nỗi niềm của nhiều cặp vợ chồng sinh sống tại biệt thự triệu đô.
Cười ra nước mắt chuyện "yêu" tại biệt thự
Nhiều gia đình ở nhiều miền quê khác nhau lên Hà Nội lập nghiệp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn vất vả nhưng vì miếng cơm manh áo, lo cho đàn con ở quê họ đành "cắn răng" chấp nhận... Việc có 1 chỗ ở yên ổn, tiện nghi cũng như phù hợp để làm việc đối với những lao động nghèo là điều quá đỗi xa vời. Họ không thể bỏ tiền thuê những căn phòng trọ hoặc căn hộ chung cư để sinh sống mà lựa chọn những dãy nhà cấp 4 tồi tàn hoặc khu biệt thự đang bỏ hoang.
Nguyên tắc ở trong những căn biệt thự bỏ hoang nhiều năm nay thường không phải ở một vài người mà thường ở theo nhóm từ 5-7 người trở lên. Bởi, những nơi này họ thừa hiểu rằng nếu không ở đông đúc như thế thì khó lòng tồn tại được bởi đầy rẫy những lo âu, những hiểm nguy bởi nạn trộm cắp và các đối tượng tiêm chích thường lui đến hù dọa.
Những căn biệt thự bỏ hoang cạnh các KĐT lớn, nơi đông dân cư được thuê lại để làm nơi kinh doanh. |
Thực tế, một số nơi các căn biệt thự bỏ hoang nằm sát khu dân cư, sát chung cư hoặc khu đông đúc vẫn thỉnh thoảng có cặp vợ chồng hoặc gia đình (bao gồm cả con cái) thuê để sinh sống. Họ thường tận dụng mặt bằng để buôn bán nhiều ngành nghề như: sửa xe đạp, bán đồ ăn, bán trà đá… giá thuê cũng từ 3-4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số người dám bỏ số tiền như trên để ở biệt thự khá ít, mục đích họ thuê để kinh doanh, buôn bán còn sinh sống là chuyện bên lề. Những căn biệt thự như thế này thường nằm ở các khu đô thị như: Khu Làng Việt kiều Châu Âu, KĐT La Khê, Mỹ Đình, Dịch Vọng… nơi có cư dân sinh sống đông đúc.
Một căn biệt thự được lao động nghèo "nhảy dù" vào ở. |
Còn với những căn biệt thự ngoại thành hoặc xa trung tâm, nơi ít người ở lại là điểm "lý tưởng" để dân lao động chân tay "nhảy dù" vào ở hoặc thuê lại với giá rẻ.
Có mặt tại một căn biệt thự tại KĐT Nam An Khánh, chúng tôi tiếp xúc với nhóm công nhân xây dựng có đến hơn 10 người sinh sống. Đặc biệt, trong số đó có 1 cặp vợ chồng sinh sống, chia sẻ về việc này, người phụ nữ tên Hân đang sống cùng chồng nói: "Chồng thì làm thợ xây tại 1 công trình chung cư còn tôi làm phụ. Do cuộc sống vất vả, khó khăn nên đành phải gửi 2 đứa con ở quê cho ông bà chăm sóc để lên Hà Nội kiếm việc làm mướn. Một vài tháng hai vợ chồng mới dám về nhà thăm con và ông bà, biết là vất vả nhưng vẫn phải cố gắng thôi chứ biết làm sao".
Công nhân tụ tập lại sinh sống tại biệt thự. |
Chị Hân tâm sự "Không ai muốn ở những nơi thế này cả, nhưng vì tiền thuê nhà tại Hà Nội cũng khá nhiều nên chúng tôi buộc phải ở chung với nhau. Những người ở chung, họ cũng có hoàn cảnh giống như vợ chồng tôi nên dù vất vả, khó khăn nhưng mọi người đều khá hòa thuận".
Nhiều cặp vợ chồng ở chung trong biệt thự nhưng phải "nhịn yêu". |
Khi chúng tôi đề cập đến những bất cập, khó khăn khi sinh sống ở đây, bởi khi quan sát chiếc "giường" thực ra chỉ là mảnh chiếu cùng chăn gối trải dưới sàn tầng 1 cùng với nhiều người khác, chị cười nói: "Chuyện vợ chồng cũng khó nói lắm, cả ngày đi làm đã mệt rồi nên cũng chả thiết tha gì nhiều. Tuy nhiên, ở đây thì sao mà "yêu" được, ông chồng thì cứ một vài tuần lại rủ rê ra nhà nghỉ giá rẻ từ 60-70.000 đồng/2 giờ để gặp nhau thôi".
"Cũng có một vài lần ông chồng báo nghỉ ốm nên tôi đành ở nhà chăm sóc, nhưng khi mọi người đi làm hết ông ấy lại khỏe như thường và… ", chị Hân ngại ngùng nói.
Ở biệt thự nhưng không dám dẫn bạn gái đến chơi
Câu chuyện của chị Hân ngắt quãng, một vài thanh niên ít tuổi bập bõm nghe thấy và tủm tỉm cười khiến chị Hân như xấu hổ, một vài thanh niên biết ý đã nháy mắt nhau rủ ra quán trà đá cách đó không xa ngồi tán gẫu.
Nhiều nam thanh niên cho biết, ngại dẫn bạn gái đến chơi hoặc từ quê lên thăm. |
Đám thanh niên ở trong nhiều biệt thự chủ yếu là dân công trường hoặc làm nhiều nghề lao động phổ thông. Việc sống cùng đồng nghiệp, bạn bè cùng quê tại các căn biệt thự những năm qua là chuyện quá bình thường. Họ cho rằng, ở nơi đất khách quê người đâu cần gì, chỉ cần chốn chui ra chui vào sau thời gian làm việc mệt nhọc là quá đủ, quá cao sang.
Ấy thế nhưng, đối với Nam, chàng trai 27 tuổi trú tại Thanh Hóa lại khiến nhiều người cười ra nước mắt. Nói về hoàn cảnh, Nam cho hay: "Em chả học hành gì nên theo mấy anh cùng quê ra làm thợ sơn bả tại các khu chung cư. Vì mấy anh em cùng tổ, cùng làm cho 1 ông chủ thầu nên được sắp xếp bố trí cho ở cùng nhau trong căn biệt thự bỏ hoang. Chúng em ở đây thấy cũng thoải mái vì rộng rãi, thoáng mát và không mất chi phí".
Cuộc sống khó khăn nhưng họ luôn đùm bọc, yêu thương nhau. |
Nhắc đến chuyện yêu đương, Nam ngậm ngùi: "Em mới chia tay người yêu. Người yêu em học 1 trường ĐH ở Hà Nội, cô ấy khá xinh đẹp ngoan ngoãn và cùng quê nhưng em nghĩ mình không có tương lai nên chủ động chia tay trước".
Nam cũng cho hay: "Chúng em yêu nhau được hơn 1 năm, nhiều lần cô ấy đòi đến thăm chỗ em ở nhưng em không dám cho cô ấy đến thăm bởi xấu hổ lắm. Thế nên tất cả các lần gặp nhau em đều chủ động đến đón cô ấy. Ban ngày đi làm thì quần áo công nhân bẩn lắm, nhưng khi đi chơi thì phải ăn mặc đẹp, chỉn chu mà em cũng giấu cô ấy là mình làm thợ sơn mà nói làm kỹ thuật nên cô ấy tin lắm".
Nam kể, nhiều anh em cùng làm cùng ở cũng không dám cho bạn gái đến chơi hoặc từ quê lên thăm bởi ngại.
Một gia đình đưa cả con cái lên cùng sinh sống tại biệt thự bỏ hoang. |
Nhưng, cũng có một số anh em công nhân cũng từng "lôi kéo" người yêu, bạn gái đến với mục đích để thấy cuộc sống vất vả, khó khăn của mình. Thành – quê ở Nghệ An cho hay: "Vợ em ở quê, chúng em yêu nhau được 2 năm thì cưới, lúc yêu nhau vợ em đã từng ra chơi 2 lần. Cô ấy khá vui vẻ, hiểu và thông cảm cho cuộc sống của em. Cuối năm 2016 vừa qua chúng em đã tổ chức đám cưới và hiện tại, cô ấy vẫn làm ở quê còn em vẫn làm trên này".
Nói thêm về dự định, Thành bày tỏ: "Chắc em làm thêm 1 thời gian nữa, kiếm ít vốn rồi sẽ về quê lập nghiệp, mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh để 2 vợ chồng gần nhau chứ em cứ đi biền biệt thế này cũng khó lắm...".
Mỗi người một cuộc sống, một số phận nhưng qua ánh mắt, qua lời nói chúng tôi biết rằng những công nhân nghèo sống tại biệt thự luôn có một niềm tin tươi sáng về cuộc sống. Nay họ có thể chấp nhận đánh đổi sự vất vả, khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng mai kia cuộc sống của họ sẽ tươi sáng hơn, gia đình đầm ấm hơn…
Theo Lê Bảo (Trí Thức Trẻ)