Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng 16h30 ngày 12/6, tại hồ Đền Lừ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Vào thời điểm trên, người dân tại khu vực này thấy một người đàn ông mặc áo trắng bất ngờ xuất hiện rồi dùng dao kề vào cổ một người phụ nữ và dẫn đi trên một quãng đường dài. Vừa đi, người này bảo: “về với hai con đi”.
Người chồng bị người dân đánh trọng thương. |
Đi dọc đoạn đường, những người dân có mặt ở quán nước thấy “bất bình” nên đã xông ra đánh đập người đàn ông này gục xuống dưới đường, đầu bị chảy máu. Sau đó, lực lượng công an phường đã có mặt rồi đưa người đàn ông này đi cấp cứu. Còn người phụ nữ kia thì đi bộ về nhà.
Theo người bán trà đá tại đây cho biết, khi mọi người nhìn thấy cảnh tượng trên nghĩ rằng người đàn ông này bị ngáo đá nên mới hành động như thế.
Theo các nhân chứng tại hiện trường, người đàn ông và người phụ nữ trong vụ việc trên là hai vợ chồng. Do ghen tuông, người chồng phát hiện vợ đi “cặp bồ” với một người khác tại quán cafe ở hồ Đền Lừ nên mới có hành động thiếu suy nghĩ như vậy.
Hành vi của người dân khi chứng kiến cảnh người chồng kề dao vào cổ vợ là muốn ngăn chặn việc đe dọa tính mạng người khác. Tuy nhiên, nếu chỉ ngăn chặn việc người chồng kề dao vào cổ người vợ thì có cần thiết phải đánh người chồng đến mức phải nhập viện cấp cứu không?
Để làm rõ vấn đề trên dưới khía cạnh pháp lý của vụ việc, Pv báo điện tử Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Thị Kim Soa, trưởng Văn phòng Luật sư Lê Trần, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An. Đưa ra nhận định về vụ việc luật sư Kim Soa cho biết: “Việc ngăn chặn hậu quả xấu xảy ra của người dân là việc làm đáng hoan nghênh nhưng đánh người khác đến thương tích nặng phải nhập viện thì cần có biện pháp răn đe và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hành vi của người dân là quá mức cần thiết để ngăn chặn hành vi của người chồng. Trong trường hợp này chỉ cần khống chế người chồng và báo cho cơ quan chức năng giải quyết. Đánh người quá mức cần thiết là vi phạm pháp luật.
Trong vụ việc này cần điều tra làm rõ mục đích, động cơ của người dân cũng như xác định được các đối tượng cụ thể gây ra thương tích cho người đàn ông này. Đồng thời giám định thương tích của bị hại, nếu thương tích trên 11% mà dùng hung khí nguy hiểm thì khởi tố theo khoản 2 Điều 104 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung 2009. Trong trường hợp tỷ lệ thương tích dưới 11% hoặc từ 11% đến 31% nhưng đánh tay không và có đơn yêu cầu của bị hại thì cơ quan điều tra mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can”.
Cũng chia sẻ với PV báo điện tử Người đưa tin về vụ việc, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho hay: “Việc người dân xông vào đánh người chồng bị thương nặng là hành vi cố ý gây thương tích của nhiều người, có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 104 BLHS sửa đổi bổ sung năm 2009.
Dù trong sự việc này người dân vô ý và hiểu nhầm tưởng rằng anh chồng ngáo đá nên mới đánh nhưng những tình tiết này chỉ là căn cứ giảm nhẹ, còn hành vi của người dân vẫn đủ yếu tố cấu thành tội danh trên.
Tuy nhiên, để xác định được những người dân nào đã tham gia đánh người chồng để xử lí thì còn phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan công an cũng như những người làm chứng vụ việc”.
“Còn về phía người chồng, do tâm lý bức xúc, không thể kiềm chế được bản thân khi bắt gặp vợ của mình, người mình yêu thương ở cạnh người đàn ông khác nên dù người chồng có hành vi sai trái là cầm dao đe doạ tính mạng vợ nhưng chưa có hậu quả xảy ra.
Vì vậy, có thể xem xét phạt hành chính tội gấy rối trật tự công cộng”, luật sư Thái cho biết thêm.
Theo Hằng Nguyễn (Nguoiduatin.vn)