Tính đến 18 giờ ngày 20-4, Việt Nam có 268 ca mắc COVID-19, trong đó 214 ca đã được điều trị khỏi. Trong bốn ngày liên tiếp từ 17-4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, các ổ dịch trên cả nước vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ.
COVID-19 có xu hướng chững lại
PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế công cộng và điều dưỡng, ĐH Quang Trung, nhận định 20 ngày thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có 15 ngày giãn cách trên cả nước, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Nhìn rõ nhất là số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng chững lại, không có sự lây lan mạnh trong cộng đồng.
Gần đây, một số ổ dịch liên tiếp được phát hiện như Hạ Lôi, theo đó số F1, F2 lên tới hơn 1.000 người. Có hai kịch bản có thể xảy ra: Thứ nhất, nếu trường hợp tiếp xúc với F0 không tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế: Giãn cách trên 2 m với người khác, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh cá nhân tốt thì dịch sẽ bùng phát như ở các nước châu Âu, chúng ta sẽ rất khó để kiểm soát được dịch.
Nhưng ở kịch bản thứ hai, nếu những người tiếp xúc F1, F2 thực hiện đúng các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế thì không có sự bùng phát mạnh.
“Do vừa qua chúng ta đã thực hiện cách ly xã hội theo các hướng dẫn của Bộ Y tế và tuân thủ tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên tôi nghiêng về kịch bản thứ hai, rằng chúng ta sẽ kiểm soát được dịch” - ông Nga nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nếu sau ngày 22-4, Việt Nam kéo dài giãn cách xã hội ở các nhóm nguy cơ cao, cả nước sẽ tiếp tục duy trì được sự khống chế dịch cũng như phương pháp dập dịch lâu nay.
“Tốt nhất vẫn nên tiếp tục giãn cách xã hội. Như vậy, sẽ bao vây và triệt tiêu được ổ dịch, ngăn chặn dịch không bùng phát ra cộng đồng. Nếu thực hiện tiếp giãn cách, Việt Nam có thể không có đỉnh dịch”.
Dưới góc độ của một chuyên gia có kinh nghiệm chống dịch nhiều năm, ông Nga cho rằng dịch vẫn tiến triển chậm, trong tầm kiểm soát và chúng ta đã bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội nên dịch sẽ khó có khả năng bùng phát mạnh như ở châu Âu hay Mỹ.
PGS Nga nhận định Việt Nam chưa có đỉnh dịch và chưa chắc có. Muốn không có sự lây lan ồ ạt tạo thành ổ dịch lớn thì các biện pháp ngăn chặn phải được thực hiện quyết liệt. Một khi không tạo thành ổ dịch lớn, vùng dịch lớn thì sẽ không có đỉnh dịch.
Nếu Việt Nam vẫn đóng cửa với các nước như thế này đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ hạn chế được các ca vì không lây nữa, khống chế được các ca lây tại chỗ, các ổ dịch.
“Dịch được khống chế, có xu hướng giảm nhưng người dân tuyệt đối không nên quá chủ quan, cần tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Người dân vẫn cần tuân thủ giãn cách trên 2 m, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng. Lúc đó, các hoạt động có thể trở lại như trước ngày 1-4” - PGS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Làm gì khi dịch có xu hướng giảm?
Bổ sung ý kiến về nới lỏng cách ly xã hội trong tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài khi thế giới vẫn còn chưa hết dịch, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 1, cho rằng vẫn chưa thể nới lỏng thoải mái như khi chưa có dịch.
Nhìn ra kinh nghiệm các nước xung quanh như Malaysia, Thái Lan, Singapore và tình hình dịch bệnh trên thế giới, người dân phải xác định Việt Nam còn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mặc dù đã cho cách ly những người đi về từ nước ngoài nhưng người xuất viện sau khi mắc COVID-19 và được cách ly vẫn có nguy cơ mắc bệnh, thêm nữa là các đường biên giới như Campuchia, Lào vẫn có sự qua lại khó kiểm soát hết.
“Trận chiến hiện giờ tuy còn ít ca bệnh nhưng phải hình dung chung quanh vẫn còn nhiều nguy cơ khi nới lỏng ra, vì khi nới lỏng ra thì mức độ tiếp xúc sẽ ngày càng nhiều hơn, kéo theo nguy cơ càng lớn. Nới lỏng cách ly xã hội thì các biện pháp phòng thủ, phòng ngừa dịch bệnh đóng vai trò quyết định” - BS Khanh nhận xét.
BS Khanh nhận xét nguy cơ để dịch bệnh lây lan vẫn là tụ tập quá đông và không kiểm soát được thành phần. Trong đó, thứ nhất phải kể đến môi trường bệnh viện là nơi người dân tứ xứ tập hợp. Thứ hai là các quán bar, karaoke tập trung nhiều nguồn người tới nên có thể từ từ chưa nới lỏng được. Thứ ba là các công ty thuê mướn nhân công làm việc. Những nơi này phải tăng cường kiểm soát chặt đầu vô và đầu ra, tiếp tục khai báo y tế.
Sắp tới nữa, học sinh sẽ đi học trở lại thì nhà trường và cơ quan y tế phải đảm bảo cho nguồn dịch bệnh không lây vào trong trường học.
Kế đến là mỗi người dân phải ý thức khi nới lỏng cách ly xã hội, mỗi người phải có trách nhiệm bảo vệ cho bản thân và cộng đồng.
BS Khanh phân tích một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 cần tiếp tục cảnh giác và duy trì các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay, mang nón phòng hộ ngừa giọt bắn của virus... Đó là những nhóm người làm các công việc trực tiếp mặt đối mặt, tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau như nhân viên tiếp tân, nhân viên siêu thị.
Nhóm thứ hai là các cửa hàng phải tiếp tục duy trì khoảng cách, nghiêm chỉnh trong các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, không cho đông người ở trong cửa hàng cùng một lúc. Chẳng hạn, ở Mỹ có các sáng kiến như phân chia giờ cho từng nhóm tuổi vào cửa hàng.
Bản thân những người đi làm xong phải về thẳng nhà, không nên tụ tập, nếu có việc cần thiết đi đến chỗ đông người phải đeo khẩu trang.
Trong cơ quan, nhất quyết thảo luận việc làm chứ không tám chuyện vì không thể biết nguồn bệnh như thế nào. Các công ty phải giám sát, bố trí bữa ăn hạn chế mặt đối mặt.
Ngoài ra, theo BS Khanh, từ bây giờ trở đi, nếu thấy thành viên trong gia đình có những biểu hiện lạ của bệnh hô hấp phải nhanh chóng khai báo y tế, tuyệt đối mang khẩu trang, không tiếp xúc với ai, nhớ lại lịch trình 14 ngày qua đã đi đâu, có đến những nơi nguy cơ không hoặc đi tới đâu mà không đeo khẩu trang.
“Dịch nào rồi cũng sẽ qua. Tất cả phải cùng làm nếu không mọi nỗ lực thời gian qua sẽ là công cốc. Càng nới lỏng cách ly xã hội thì càng phải kiên quyết bảo vệ bản thân, không nên mang tâm lý thấy mấy bữa nay không có bệnh mà lơi là đi, vì tình hình dịch bệnh giờ đã khác rồi. Mọi người cùng làm và cùng cố gắng thì sẽ không lây cho người khác và bảo vệ được bản thân mình” - BS Khanh lưu ý.
Sáu việc cần làm khi bước vào giai đoạn 3 chống COVID-19
Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, khi nới lỏng cách ly xã hội sẽ cho phép nhập cảnh trở lại, sự giao thương, đi lại dễ dàng hơn thì cũng là lúc TP.HCM có thể bước vào giai đoạn 3 phòng, chống dịch bệnh.
Giai đoạn 3 dự báo khó khăn hơn rất nhiều khi dịch bệnh đã có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng ở một số tỉnh, TP. Các trường hợp nhiễm COVID-19 có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, thậm chí có những trường hợp không rõ nguồn lây, không rõ yếu tố dịch tễ. Ngoài ra, do dịch bệnh đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới nên những người nhập cảnh trong thời gian tới ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.
Vì vậy, giai đoạn 3 cần thực hiện nghiêm một số giải pháp như sau:
Thứ nhất: Tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống dịch, nâng cao năng lực các đội phản ứng nhanh của TP, quận/huyện.
Thứ hai: Rà soát, củng cố lại các khu cách ly tập trung, nâng cao năng lực xét nghiệm COVID-19.
Thứ ba: Thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trên những nhóm nguy cơ như hành khách sân bay, nhà ga, bến xe, công nhân tại khu lưu trú, khu công nghiệp…
Thứ tư: Phối hợp tổ chức đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm, đồng thời khuyến cáo và triển khai các giải pháp phòng ngừa ở những khu vực tập trung đông người, có nguy cơ như nhà máy, xí nghiệp, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội…
Thứ năm: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động phòng, chống dịch như giám sát chuỗi lây nhiễm, quản lý và giám sát cách ly y tế, truy dấu tiếp xúc gần với ca nhiễm.
Thứ sáu: Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng bệnh tại những cơ sở khám chữa bệnh như phân luồng, tổ chức khu vực khám, chẩn đoán cho bệnh nhân có triệu chứng hô hấp. Bên cạnh đó phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 để tổ chức cách ly, điều trị hiệu quả.
Theo Hà Phượng - Hoàng Lan (Pháp Luật TPHCM)