Ngày 8-3, tại cuộc gặp gỡ báo chí sau khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 cho các nhân viên y tế, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện (WHO) tại Việt Nam cho biết vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca sử dụng tiêm chủng tại Việt Nam được cấp phép và sản xuất tại Hàn Quốc. Vắc-xin này đã trải qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm rất khắt khe, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt, được WHO phê duyệt để sử dụng trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp trên toàn thế giới.
Hiện nhiều nước cũng đang triển khai tiêm vắc-xin Covid-19. Đây là chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Theo chuyên gia WHO, trên toàn thế giới, vắc-xin ngừa Covid-19 đang không đủ cung ứng, dù tất cả các quốc gia đều muốn mọi người dân được tiêm nhưng số lượng vắc-xin vẫn còn rất hạn chế. "Trong bối cảnh vắc-xin còn hạn chế, WHO rất hoan nghênh định hướng của Chính phủ Việt Nam khi ưu tiên tiêm dựa trên đánh giá nguy cơ"- ông Park nói.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng lưu ý dù vắc-xin đã được thử nghiệm, đáp ứng tiêm chủng an toàn nhưng đây là lần đầu tiên thế giới sản xuất một loại vắc-xin trong thời gian chỉ 1 năm. Do đó, WHO khuyến cáo phải có sự theo dõi sát, kiểm tra sau khi tiêm vắc-xin 48 giờ cũng như tiếp tục theo dõi sau tiêm tại nhà để quá trình tiêm vắc-xin đảm bảo an toàn.
Ông Park đánh giá cao trong buổi tiêm đầu tiên, Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, người tiêm được cung cấp thông tin đầy đủ và quy trình tiêm an toàn. Đây là tín hiệu tốt để Việt Nam tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng an toàn trong thời gian tới. WHO mong muốn đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Y tế trong quá trình tiêm vắc-xin để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra khuyến nghị cho người dân.
Thông tin về số lượng vắc-xin Covid-19, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, cho biết cơ quan này đã liên hệ 10 hãng hàng không quốc tế để có thể vận chuyển miễn phí vắc-xin đến 92 quốc gia nghèo và thu nhập thấp tham gia cơ chế vắc-xin COVAX. Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên của COVAX. Thông qua chương trình này, thời gian tới đây, khoảng 20% dân số Việt Nam được tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca.
Khi Việt Nam đáp ứng đủ các quy định, COVAX sẽ chuyển 1,2 triệu liều AstraZeneca trong tháng 3 và 2,8 triệu liều trong tháng 4. Theo kế hoạch, trong năm 2021, COVAX sẽ chuyển cho Việt Nam 30 triệu liều vắc-xin. "Mục tiêu làm sao đưa vắc-xin một cách nhanh chóng, an toàn về mặt y tế sức khỏe để Việt Nam có thể khôi phục và phát triển kinh tế"- bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của báo chí quốc tế về kế hoạch tiêm vắc-xin cho những tỉnh nằm ngoài danh sách 13 tỉnh được ưu tiên sẽ tiêm đợt 1, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đối với các địa phương chưa được phân bổ vắc-xin trong đợt đầu tiên, tùy vào lượng vắc-xin Việt Nam nhận được, dựa trên tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch phân bổ tiếp theo.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc.
Theo ông Thuấn, trong năm nay, Việt Nam sẽ có chắc chắn 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca. Hiện Bộ Y tế đang đàm phán thêm với các hãng dược Pfizer, Moderna, Sputnik V để có thêm vắc-xin. Hiện tại, vắc-xin Nanocovax của Nanogen đã bước sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, vắc-xin Covivac của IVAC chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1. Nếu thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, dự kiến cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có vắc-xin Covid-19 trong nước sản xuất.
"Bộ Y tế kêu gọi người dân trên cả nước đến lượt mình hãy đi tiêm phòng Covid-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân, vì một cộng đồng khỏe mạnh, để đất nước sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường"- Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Được biết, đến cuối giờ chiều ngày 8-3, sức khỏe toàn bộ 100 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đều ổn định sau khi tiêm vắc-xin Covid-19.
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, cho biết theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tiêm vắc-xin Covid-19 AstraZeneca có thể xảy ra các phản ứng thông thường như: Đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, bồn chồn, sốt nhẹ, có người ớn lạnh (khoảng 10%); phản ứng phổ biến (từ 1% đến dưới 10%) sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn, phản ứng muộn, có thể xảy ra sau tiêm, nhưng hiện WHO chưa có đủ dữ liệu.
Theo N.Dung (Nld.com.vn)
https://nld.com.vn/suc-khoe/viet-nam-sap-co-them-4-trieu-lieu-vac-xin-covid-19-20210307223953605.htm