Khi hoàn thành, tôn tượng Phật Đại Nhật Như Lai (cao 167,5 m) được xây dựng trên đỉnh núi Nưa, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) dự kiến sẽ là tượng Phật lớn nhất trên thế giới.
Mới đây, khu dịch vụ thương mại và Cáp treo Am Tiên (hạng mục đầu tiên trong quần thể du lịch tâm linh và di tích lịch sử Am Tiên), có tên gọi là "Huyền tích Am Tiên", được khởi công ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, vào ngày 26/4. Dự án quy mô này có tổng mức đầu tư lên tới 35.000 tỷ đồng.
Theo thông tin công bố của chủ đầu tư, Huyền tích Am Tiên có tổng diện tích hơn 350 ha. Dự án này bao gồm 3 giai đoạn. cụ thể, giai đoạn 1 là Khu dịch vụ thương mại và cáp treo quy mô 31,74 ha, với tổng mức đầu tư 2.969 tỷ đồng. Giai đoạn 2 của dự án sẽ triển khai Khu dịch vụ du lịch và trục cảnh quan văn hóa quy mô 58,62 ha, với tổng mức đầu tư 9.634 tỷ đồng. Giai đoạn 3 là hình thành Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng quy mô 295,64 ha, với tổng mức đầu tư 22.429 tỷ đồng.
Công trình lớn nhất thế giới tại dự án 35.000 tỷ đồng có gì đặc biệt?
Điểm nhấn đặc biệt của quần thể du lịch tâm linh Huyền tích Am Tiên là tôn tượng Phật Đại Nhật Như Lai, được đặt trên đỉnh núi Nưa, với tổng chiều cao 167,5 m (bao gồm khối đế cao 45m, đài sen cao 13,6m và tượng Phật cao 108,9m). Khi hoàn thành, tượng Phật này dự kiến sẽ xác lập kỷ lục là bức tượng Phật lớn nhất thế giới.
Theo tiết lộ của chủ đầu tư (Tập đoàn Sun Group), tượng Phật ở Huyền tích Am Tiên được tạo mẫu tinh xảo bởi nhóm các nhà điêu khắc cùng hàng trăm nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của Việt Nam. Nhóm chuyên gia này được dẫn dắt bởi nhà điêu khắc Phạm Bá Đua, người từng đắp mẫu tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất châu Á, tọa lạc trên đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh.
Tượng Phật sẽ được chế tác từ các tấm đồng đỏ nhập khẩu và gia công bằng công nghệ áp lực cao từ châu Âu. Sau khi hoàn thiện, bề mặt tượng Phật sẽ được mạ bạc, tạo nên sắc trắng thanh tao và nổi bật giữa khu du lịch tâm linh Huyền tích Am Tiên.
Theo thiết kế, thể tích của tôn tượng Phật Đại Nhật Như Lai lên tới 69.110,7 m3, vượt xa mọi công trình Phật giáo hiện hữu ở Việt Nam, khi gấp 21,5 lần thể tích tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tại Tây Ninh (với 3.219,3 m3). Ngoài ra, bàn tay phải của tôn tượng thể hiện thủ ấn Vô Úy, rộng hơn 7,4 m và tay trái thể hiện thủ ấn Thí Nguyện, dài gần 12 m.
Đặc biệt, Tôn tượng Phật Đại Nhật Như Lai đứng uy nghi trên đài sen trắng cao 13,6 m, với hoa văn được mô phỏng theo phong cách sen thời Hậu Lê. Bên dưới đài sen là khối đế cao 45 m, với mái vòm hình hoa sen trắng.
Về mặt phong thủy, Tôn tượng Phật Đại Nhật Như Lai được đặt tại vị trí vô cùng đắc địa, khi hướng về phía Đông Bắc, nơi hội tụ linh khí tại ngã ba sông Chu - sông Mã và phía xa là đỉnh thiêng Yên Tử. Hơn nữa, lưng tượng tựa vào núi Ngàn Nưa uy nghi và phía sau là dãy Trường Sơn hùng vĩ, tạo thế "tọa sơn hướng thủy" sinh vượng khí, mang đến sự no đủ và hạnh phúc.
Dự kiến công trình Tôn tượng Phật Đại Nhật Như Lai sẽ được hoàn thiện vào năm 2027. Sau khi hoàn thiện, tôn tượng Phật Đại Nhật Như Lai trên đỉnh núi Am Tiên sẽ trở thành tượng Phật cao nhất thế giới, vượt qua kỷ lục của tượng Trung Nguyên Đại Phật ở Nghiêu Sơn (Trung Quốc) đang được công nhận là tượng Phật cao nhất thế giới, với tổng chiều cao 153 m.
Theo Tập đoàn Sun Group, toàn bộ dự án "Huyền tích Am Tiên" sẽ được hoàn thiện trong khoảng thời gian từ năm 2027 - 2030. Cụ thể, giai đoạn 1 dự kiến sẽ đưa tuyến cáp treo vào vận hành vào năm 2027. Giai đoạn 2, tập đoàn phấn đấu hoàn thiện hạng mục tôn tượng Phật Đại Nhật Như Lai. Cuối cùng, các hạng mục còn lại sẽ tiếp tục triển khai song song và hướng tới cán đích đồng loạt vào năm 2030.
Đặc biệt, trong giai đoạn 1, tập đoàn sẽ kiến tạo 2 trên tổng số 4 tuyến trong hệ thống cáp treo 1 dây, tạo tuyến giao thông trục xương sống kết nối toàn bộ các hợp phần quan trọng của dự án, từ chân núi lên đến khu vực chân tượng Phật. Theo đó, tuyến 1 dài 1,2 km, tuyến 2 dài 1,5 km, giúp đưa du khách băng qua những cánh rừng xanh, với điểm nhấn kiến trúc là nhà ga cáp treo lấy cảm hứng từ nón lá, mái đình và họa tiết áo dài.
Theo Minh Hằng (Thanh Niên Việt)