Việt Nam phát hiện 27 cuộc tấn công mạng dịp APEC

17/11/2017 17:36:00

Tại Hội nghị cấp cao APEC, lực lượng chức năng phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy chủ, trung tâm báo chí.

Trong lần đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, từ 10h20 đến 17h hôm nay, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến Facebook, Google; an toàn an ninh thông tin mạng; việc Mobifone mua mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG)...

Việt Nam phát hiện 27 cuộc tấn công mạng dịp APEC
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (bìa phải) trao đổi với đại biểu bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Võ Hải

11 tháng, hơn 11.000 vụ tấn công mạng

Theo Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, tình trạng tấn công mạng ngày càng phổ biến ở Việt Nam; dẫn tới lộ, lọt thông tin và gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức. Đây cũng là vấn đề với nhiều quốc gia khác.

Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 11.000 vụ tấn công mạng dưới các hình thức khác nhau. Riêng tại Hội nghị APEC, lực lượng chức năng phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy chủ, trung tâm báo chí; 17 lỗ hổng được phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công.

"Không có hệ thống thông tin nào an toàn tuyệt đối trong thời gian dài nên công tác đảm bảo an toàn thông tin phải liên tục", ông nói.

Hạn chế được lãnh đạo ngành Thông tin Truyền thông chỉ ra là, hiện có 41% cơ quan, tổ chức trên toàn quốc không thực hiện đánh giá rủi ro, không phát hiện nguy cơ mã độc tiềm ẩn trong hệ thống; 51% chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố; 73% chưa triển khai các biện pháp an toàn thông tin...

"Phải xác định đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, mỗi gia đình và tổ chức", ông nhấn mạnh.

"Bộ mong sớm kết luận việc Mobifone mua AVG"

Vào cuối giờ sáng, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, gửi tới Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông 3 câu hỏi liên quan đến việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

"Từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone sử dụng vốn nhà nước để mua AVG? Giá trị chính xác trong vụ chuyển nhượng này là bao nhiêu? Từ khi mua AVG về thì hoạt động ra sao, có tương xứng với số tiền bỏ ra mua không?", ông Vân chất vấn.

Việt Nam phát hiện 27 cuộc tấn công mạng dịp APEC - 1
Đại biểu Lê Thanh Vân nêu chất vấn về việc Mobifone mua cổ phần của AVG. Ảnh: Q.H

Đề cập nội dung này vào đầu giờ chiều, Chủ tịch Quốc hội nói đây là vấn đề đang được thanh tra, phải "chờ khi nào có kết luận thanh tra mới có cơ sở để báo cáo". Như vậy, chất vấn của đại biểu Vân không được Bộ trưởng trả lời trực tiếp trên hội trường.

Tuy nhiên, sau đó đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, "đây là vấn đề rất được dư luận rất quan tâm, mong Bộ trưởng sớm có câu trả lời".

Giải trình ý kiến của ông Nghĩa, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành tranh tra nội dung trên từ tháng 9/2016 đến nay, hiện Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm sớm đi tới kết luận cuối cùng, đảm bảo chính xác, đúng quy định pháp luật và bảo toàn được giá trị doanh nghiệp, quyền lợi người lao động; cùng với đó là duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin Truyền thông cũng ra văn bản kiến nghị sớm có kết luận thanh tra. "Đến nay chúng tôi chưa nhận được dự thảo kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình. Khi chưa công bố kết luận thanh tra thì chúng tôi cũng chưa có nội dung gì hơn để thông báo", ông Tuấn chia sẻ.

Việc Mobifone mua cổ phần của AVG được công bố vào đầu năm 2016, đơn vị này hiện đổi tên thành MobiTV. Tháng 8/2016, Chính phủ chỉ đạo thực hiện thanh tra toàn diện thương vụ mua bán này, trong đó nêu rõ sau thanh tra nếu có dấu hiệu vi phạm thì có thể chuyển cơ quan điều tra.

"Cạnh tranh với Facebook, Google trong 5-7 năm tới"

Trả lời chất vấn về thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói đây là vấn đề toàn cầu, các nước đều quan tâm chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nước Nga có phần mềm tìm kiếm riêng trên Internet, Trung Quốc có mạng xã hội riêng..., còn các nước khác hầu hết phụ thuộc vào Facebook, Google.

Theo Bộ trưởng, lâu nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham vọng xây dựng mạng xã hội cạnh tranh với Facebook, Goolge, nhưng do tiềm lực tài chính kém nên đã đóng cửa sau 2 năm hoạt động. Hiện có mạng trong nước đã thu hút 70 triệu người dùng nhưng con số ngày càng suy giảm, so với các mạng lớn của nước ngoài thì vẫn khiếm tốn.

Ông Tuấn cho rằng, để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội cạnh tranh toàn cầu thì chính sách phải đồng bộ, ưu tiên giảm thuế, phí, phát triển nội dung số để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh, khi đó mới có cơ sở tin tưởng mạng xã hội trong nước cạnh tranh Facebook, Goolge trong 5-7 năm tới.

Ngoài ra, Việt Nam phải thực hiện mô hình "4 nhà", gồm nhà mạng viễn thông, nhà mạng xã hội, nhà quảng cáo và nhà phát triển nội dung vào cuộc một cách tập trung. "Đây là vấn đề khó vì thói quen dùng và tính tương tác lớn của 2 mạng xã hội toàn cầu hiện nay", ông nói. 

"Gỡ 5.000 video xấu độc trên Youtube"

Lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông cho biết Việt Nam đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook...

"Trên Youtube, chúng tôi đã cố gắng và mới gỡ được trên 5.000 video xấu độc. Tuy nhiên lượng video đưa lên là rất lớn, do vậy cơ quan quản lý phát hiện video nào vi phạm thì sẽ chuyển họ xử lý. Quá trình làm việc với Goolge, Youtube, Bộ Thông tin Truyền thông nhận được sự hợp tác tốt hơn so với Facebook", ông Tuấn nói và cho hay, trong cuộc gặp mới đây với giới chức Mỹ, ông đã đề cập vấn đề này và có ý "chê Facebook".

Thời gian tới, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ tăng cường xử lý vi phạm trên mạng xã hội. Cùng với đó, những người bị xâm hại cũng phải lên tiếng vì cơ quan quản lý không thể rà soát hết được 53 triệu người dùng mạng xã hội.

Tranh luận về nội dung trên, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thì Việt Nam phải có biện pháp để giữ chủ quyền trên không gian mạng, không thể chỉ "trách móc, vỗ vai" là xong.

"Việt Nam không phải đất hoang để hãng nước ngoài nào đó cứ làm ăn mà ta không thu thuế gì cả", ông Kim bày tỏ quan điểm.

Google, Facebook "thu cả trăm triệu USD nhưng không đóng thuế"

Thừa nhận thực tế người dân ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội nước ngoài, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói hiện chưa có giải pháp nào hữu hiệu liên quan đến dòng tiền quảng cáo trên Facebook, Google.

Theo ông, Google có chính sách chia sẻ tiền quảng cáo cho người đăng trên Youtube, một số người dân coi đó là "việc nhẹ nhàng, nhưng có thu nhập", các tin tức bịa đặt, bôi nhọ cũng được dùng phục vụ mục đích này. Việc ngăn chặn nguồn tiền bất hợp pháp đó rất cần thiết, nhưng đang gặp khó khăn. "Nguồn thu từ quảng cáo qua các mạng này rất lớn, hơn 100 triệu USD một năm nhưng không đóng một đồng thuế nào", ông nói.

Bộ Thông tin Truyền thông đang yêu cầu các nhà sản xuất nội dung trong nước cân nhắc nghiêm túc việc đưa sản phẩm độc quyền lên nền tảng xuyên biên giới, vì qua đó vô tình góp phần giúp các mạng xã hội toàn cầu lấy đi cơ hội phát triển nhà mạng Việt Nam.

Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng phối hợp để để kiểm soát việc mua bán, quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới; kiểm soát kinh doanh và nộp thuế với Facebook, Google.

Sáng mai 18/11, Quốc hội sẽ chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nội dung về: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng; việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Từ 14h cùng ngày, Thủ tướng phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Theo Hoàng Thùy - Hoài Thu - Võ Hải (VnExpress.net)

Nổi bật