Với tỉ lệ bao phủ vắc xin như vậy chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Việt Nam đã về đích sớm hơn dự kiến. Bộ Y tế cho biết mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 40% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 đến cuối năm 2021 và 70% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vắc xin đến giữa năm 2022. Như vậy với hơn 60% dân số được tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19, Việt Nam đã vượt 20% so với mục tiêu của WHO trong năm 2021.
Tại buổi tọa đàm “Chiến dịch vắc xin vững niềm tin” do Bộ Y tế tổ chức mới đây PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết: “Chúng tôi tin rằng, với tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 như hiện nay, đến hết tháng 12/2021, trên 95% dân số Việt Nam trên 18 tuổi sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Về cơ bản, Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19”. Theo các chuyên gia, kết quả của việc bao phủ vắc xin COVID-19 cho người dân đã hạn chế được các ca COVID-19 có triệu chứng nặng phải nhập viện điều trị, hạn chế được bệnh nhân nặng và hạn chế số bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Về việc một số người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 khi mắc COVID-19 vẫn bị bệnh nặng, có ca tử vong, PGS Hồng cho biết không có một vắc xin nào đạt được hiệu quả bảo vệ 100%. Với vắc xin COVID-19 hiện nay, theo ghi nhận của WHO, kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin COVID-19 trước Việt Nam cũng như khuyến cáo của nhà sản xuất thì hiệu quả bảo vệ của vắc xin COVID-19 dao động từ 60-90%. “Với một số ca COVID-19 tử vong đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19, ngoài việc vắc xin không thể bảo vệ chúng ta 100% thì trong số này cũng có nhiều người là người cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền”, PGS Hồng nói.
Tiêm mũi 3 củng cố khả năng miễn dịch
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 sẽ có hiệu quả trong việc củng cố hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng bệnh. Bà Hồng cho biết theo nguyên lí sử dụng vắc xin trong tiêm chủng thì mũi tiêm nhắc lại là rất quan trọng, giúp cho việc tăng cường tính miễn dịch của mỗi người sau khi đã tiêm đủ các mũi vắc xin cơ bản. Điều này giúp cơ thể củng cố khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 và những biến thể sau này.
“Những người cao tuổi, người có bệnh lí nền (tiểu đường, cao huyết áp...) không chống chỉ định với vắc xin COVID-19 mà thuộc đối tượng phải được tiêm vắc xin COVID-19 sớm nhất. Vì đây là những đối tượng nếu mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ cao bị bệnh nặng và tử vong”, bà Hồng nói. Đối tượng này được chỉ định tiêm ở các cơ sở y tế, có khả năng xử lí phản ứng nặng sau tiêm (nếu có). Các bác sĩ sẽ khám sàng lọc kỹ hơn, hướng dẫn theo dõi, trước và sau tiêm cẩn thận hơn.
Ca mắc cộng đồng cao, giải mã gen tìm biến thể Omicron
Bộ Y tế cho biết hiện nay nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hằng ngày trong cộng đồng cao. Ngoài ra biến thể Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện hướng dẫn giám sát và phòng chống COVID-19 biến thể Omicron. Bộ Y tế nhấn mạnh hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc biến thể Omicron. Tuy nhiên, nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc biến thể Omicron và triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT, PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh), phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến thể Omicron.
Trường hợp ghi nhận người dương tính với biến thể Omicron thì tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước đó, gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm, giải trình tự gen xác định biến thể Omicron. Tăng cường hệ thống giám sát ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lí, đối tượng cụ thể.…), trên cơ sở đó chủ động, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh.
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia điều tra, xử lí ổ dịch, các cơ sở xét nghiệm COVID-19 thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố về điều tra, bảo quản, vận chuyển mẫu dương tính với SARS-CoV-2 về Viện. Tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ, có nguy cơ mắc biến thể Omicron từ các tỉnh, thành phố để xét nghiệm giải trình tự gen xác định biến thể Omicron. Thực hiện, phối hợp với các địa phương để chủ động giám sát các biến thể/biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Cập nhật kết quả giải trình tự gen lên Nền tảng chia sẻ dữ liệu gen virus cúm và virus Corona gây đại dịch COVID-19 để chia sẻ và tiếp nhận thông tin về các biến thể/biến chủng virus gây dịch.
Theo Hà Minh (Tiền Phong)