Việc sản xuất vaccine tại Việt Nam vẫn đang trong tiến trình nghiên cứu và sản xuất. Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị gửi 2 lô vaccine của công ty vaccine và sinh phẩm Nha Trang và công ty vaccine và sinh phẩm số 1 sang Mỹ để thử nghiệm.
Cũng tại cuộc họp, các chuyên gia cũng nhận định phải nâng mức độ cảnh báo trong cộng đồng đối với người dân về dịch bệnh COVID-19.
Tại cuộc họp các chuyên gia tập trung phân tích và thảo luận về chùm ca bệnh mới phát hiện tại thành phố Hải Dương. Điều tra dịch tễ của Bộ Y tế cho thấy chùm ca bệnh này đều xuất phát từ quán ăn tại 36 Ngô Quyền, thành phố Hải Dương, diễn biến rất phức tạp, đông người, đi lại nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người.
Trong đó, bệnh nhân nam số 867 đã phát bệnh từ ngày 30/7 và đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế, tiếp xúc với nhiều người trước khi được xác định là dương tính với SARS-CoV-2. Bộ Y tế đã lấy mẫu đối với chùm ca bệnh này để giải mã gene xem có trùng với Đà Nẵng hay không.
Về tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, các địa phương đang tiếp tục mở rộng xét nghiệm cộng đồng, trong đó Quảng Nam đã xét nghiệm được 38.000 mẫu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết như vậy vẫn còn chậm vì khả năng lây lan trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm. Qua đánh giá, khả năng đến cuối tháng 8, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng được kiểm soát.
Tuy nhiên, sẽ tiếp tục xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch nhỏ lẻ tại các tỉnh, thành phố là điều hoàn toàn có thể xảy ra, vì vậy cần phải nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh.
Về 22 ca tử vong liên quan đến COVID-19, đại diện Bộ Y tế cho biết ngay từ khi xuất hiện các ca bệnh đầu tiên tại Khoa Chạy thận nhân tạo và Hồi sức tích cực, những bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị COVID-19, hồi sức tích cực, hô hấp đã được điều động vào Đà Nẵng để hỗ trợ.
Tại cuộc họp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cũng đề xuất về việc quản lý, kiểm tra, xác định lại các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc.
Theo Kim Xuân (VTV.vn)