Nguyên Chủ tịch Uỷ ban TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt bên hành lang Quốc hội ngày 2/11 (ảnh: Hoàng Long). |
- Nghị quyết TƯ 4 lần này về việc tăng cường chỉnh đốn Đảng vừa ban hành được ghi nhận, đánh giá cao ở điểm mới là lần đầu tiên hệ thống được những biểu hiện của hiện tượng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá (27 biểu hiện) trong nội bộ Đảng. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Những nội dung, quan điểm về việc chỉnh đốn Đảng nêu ra tôi thấy rất thống nhất, nhất quán với những nhận định đưa ra từ những khoá trước. Ngay Nghị quyết hồi mới đổi mới cũng đã chỉ ra 4 nguy cơ đối với chế độ, với Đảng (như nguy cơ diễn biến hoà bình, chệch hướng mục tiêu, tham nhũng tiêu cực) thì đến giờ, Nghị quyết cũng vẫn khẳng định những nguy cơ đó.
Nhưng lần này khác một điểm mới là đã nói cụ thể và chi tiết về từng vấn đề phải quan tâm. Đến Nghị quyết này, Đảng đã thấy được sự yếu kém của từng lĩnh vực, từng loại hình diễn biến cần phải chú ý, những vấn đề cần phải quan tâm nắn chỉnh.
Tựu chung lại, tôi thấy Nghị quyết của ta như thế rất tốt, người dân rất đồng tình nhưng vẫn có một dấu hỏi lớn đặt ra, đó là phải làm thế nào làm cho được những tư tưởng chỉ đạo vạch ra mà trước hết, chính là xử lý những việc đã xảy ra nơi này nơi khác. Những vụ việc đó thể hiện sự phức tạp mà người dân ai cũng quan tâm. Đảng cần sớm làm rõ, đừng để dở chừng.
Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh... cần làm sao kết luận thật rõ ràng thì người dân sẽ có niềm tin. Người dân hiện giờ cần những việc đi vào chi tiết để xử lý vấn đề cho hiệu quả. Chứ nếu chậm chễ, để kéo dài mãi tình trạng này thì chắc chắn dù có đi vào những lĩnh vực cụ thể, chỉ ra được những chuyện như vậy nhưng lòng tin của người dân vẫn sẽ khó thuận.
- Như ông nói, định hướng chỉnh đốn Đảng đã có từ nhiều khoá trước nhưng Nghị quyết vừa ban hành nhấn mạnh chủ trương nhìn thẳng, nói thẳng, đánh giá thẳng tình trạng thực tại để quyết tâm chỉnh sửa. Với những nội dung đưa ra trong Nghị quyết, ông thấy tinh thần nói thẳng đã thể hiện thích đáng?
- Việc này thì Đảng cũng đã nói từ lâu rồi, trước giờ Đảng vẫn muốn nhìn thẳng vào sự thật, nói sự thật, đánh giá đúng thực chất tình trạng chứ không phải bây giờ mới nói. Nhưng chỉ tiếc là mình đã nói thế mà lâu nay vẫn không thực hiện được như mong muốn, nguyện vọng.
Giờ các lãnh đạo Đảng đã nói nhiều những sự thật, những việc cụ thể hơn. Tuy nhiên, những điều đó cũng không phải là đã thể hiện được hết những vấn đề quan trọng đâu. Nhiều chuyện khác người dân vẫn muốn phải phanh phui, làm rõ trắng đen ra.
Cụ thể như vụ việc Trịnh Xuân Thanh có khuyết điểm như thế, người dân rõ ràng muốn xem trách nhiệm thuộc ai. Việc này phải sớm kết luận đi, đừng để kéo dài mãi. Mà việc làm rõ, theo tôi cũng dễ thôi, gốc rễ của nó là mấy ông lãnh đạo, người phụ trách có quyền trong lĩnh vực đó thôi chứ chẳng đi đâu cả. Đó là một việc cụ thể tiêu biểu cần làm đi, việc thiết thực nhất.
- Những phân tích của ông về việc cần thiết làm rõ ngay trách nhiệm người lãnh đạo, phụ trách lĩnh vực trong những vụ việc cụ thể dường như rất “khớp” mới một điểm hạn chế khiến công tác chỉnh đốn Đảng thời gian qua chưa thực sự hiệu quả mà TƯ Đảng đã nhận định trong Nghị quyết là “việc xử lý cán bộ sai phạm vẫn nhẹ trên, nặng dưới”?
- Như vậy có thể thấy những nhận định chung của chúng ta cũng trùng nhau thôi. Đúng là mình đấu tranh vẫn “lệch địa chỉ”, mới đi vào những cấp dưới một chút hoặc mới chỉ làm nghiêm ở cơ sở mà chưa trúng vào chỗ những người có trách nhiệm lớn.
- Ông đã nhấn mạnh yêu cầu hành động để lấy lại niềm tin của người dân. Nghị quyết TƯ 4 cũng đề cập một giải pháp là tăng cường giám sát người dân, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội trong công cuộc đấu tranh ngăn chặn suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong Đảng. Là một lãnh đạo Uỷ banTƯ MTTQ Việt Nam trong thời kỳ dài trước đây, ông đánh giá thế nào về việc này?
- Tôi là người mong nhất việc đó, nói sớm nhất, góp ý nhiều nhất về vấn đề đó. Một vấn đề tồn tại tôi thấy là “vế” nhân dân giám sát và thể hiện chính kiến thời gian qua còn rất hạn chế. Hạn chế không phải vì nhân dân không biết mà là vì các cơ quan chưa chịu lắng nghe, chưa chịu tiếp cận về những vấn đề nhân dân phát hiện để giải quyết. Hệ thống giám sát vẫn mới chỉ dựa vào các cơ quan thanh tra, kiểm tra chứ không lấy những ý kiến thực chất từ nhân dân.
Mà nhân dân là ai, tôi cho chính là Mặt trận Tổ quốc, là các tổ chức chính trị xã hội, là công đoàn của cơ quan đơn vị, mọi chuyện ai cũng biết cả nhưng có nói được đâu. Tôi suy nghĩ mãi khi cả Đại hội thi đua yêu nước, tổng kết hoạt động 5 năm qua mà không có gương dũng sỹ nào trong việc đấu tranh diệt nội xâm được ghi nhận. Thời chống Mỹ ta có nhiều dũng sỹ lắm mà sao giờ chỉ mới những người tích cực lao động được biểu dương? Mà chuyện toàn dân quan tâm nhất là chống tham nhũng thì không thấy nêu được gương, ghi nhận?
Ngược lại, cũng chưa có đánh giá một cấp uỷ Đảng nào có thành tích trong việc quản lý, lãnh đạo để chống tham nhũng, chưa đánh giá được một tổ chức chính quyền nào làm tốt công tác này.
Vậy nên tôi rất quan tâm “vế” nhân dân, Mặt trận hay các tổ chức chính trị xã hội tham gia giám sát cán bộ, Đảng viên. Công cụ này chưa phát huy tác dụng chính là do chính quyền chưa dựa vào các lực lượng xã hội này, chưa mạnh dạn giao anh em làm việc này.
- Xin cảm ơn ông!
Theo P.Thảo (Dân Trí)