Theo tổ công tác, người phụ nữ tự xưng là nhà báo ra xin xe vi phạm, yêu cầu một CSGT nghe máy điện thoại của ai đó. CSGT không nghe vì người phụ nữ không liên quan đến việc vi phạm. CSGT sau đó bị xúc phạm, lăng mạ.
Một sự việc khá hài hước và đáng phê phán vừa xảy ra ở một tổ công tác Đội CSGT số 3 CAHN ngày hôm qua, 25-5-2017.
Người phụ nữ ra xin xe cho một trường hợp vi phạm luật giao thông, đã có hành động dí điện thoại yêu cầu CSGT phải nói chuyện với một ai đó, để xin xe. Tuy nhiên, chị này không phải người vi phạm, không liên quan đến vụ việc nên CSGT đã kiên quyết không nghe máy.
Cũng theo tổ công tác, trước đó người phụ nữ này vào giới thiệu làm nghề báo, có chồng cũng là nhà báo. Tuy nhiên, khi mục đích xin bỏ qua vi phạm không đạt được, thì người phụ nữ đổi thái độ, xưng hô mày tao. Bắt đầu là những lời trách móc kiểu: "Tôi đưa điện thoại bảo bạn nghe sao bạn không nghe?", sau đó là chỉ tay thẳng mặt CSGT: "Tôi bảo ông làm ăn vớ vẩn và bố láo".
CSGT yêu cầu người phụ nữ cư xử cho lịch sự. Chỉ huy tổ công tác đặc biệt cũng yêu cầu cán bộ xử lý lập biên bản xử lý bình thường. Người phụ nữ tiếp lời: "Tao bảo mày làm ăn vớ vẩn. Tại sao tao đưa điện thoại cho mày mà mày không nghe máy?" rồi thách thức: "Đây tao đứng đây, mày chụp ảnh đưa lên, đưa nhanh luôn hộ tao cái. ĐM chúng bay làm ăn kiểu bố láo".
Sau đó, người phụ nữ còn văng tục tĩu với những lời lẽ mà PV không thể đưa lên mặt báo. Còn người đàn ông trực tiếp vi phạm, thì từ đầu đến cuối đứng im lặng không nói lời nào, cũng không có hành động can ngăn sự "tăng động" quá mức của người phụ nữ.
Theo quy định, CSGT có quyền không nghe máy điện thoại khi đang thi hành công vụ. Phía CATP Hà Nội cũng có quy định cấm cán bộ nghe điện thoại trong lúc xử lý nhằm hạn chế việc xin xỏ, bỏ qua cho vi phạm.
Hành vi sai trái của người phụ nữ ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh những người làm báo chân chính. Tuy nhiên, theo nhận định của PV, người phụ nữ này không phải là nhà báo, mà chỉ mạo danh báo chí.
Người phụ nữ không phải nhà báo "xịn". |
Nhà báo là người hoạt động báo chí, được Bộ Thông tin truyền thông cấp thẻ theo mẫu duy nhất, thống nhất trên toàn quốc. Còn trên video thể hiện, giấy tờ người phụ nữ trưng ra không phải thẻ nhà báo, nên khó mà gọi đây là nhà báo. Tuy nhiên, cán bộ CSGT đã có sự nhầm lẫn và bị người phụ nữ kia qua mặt, dẫn đến hiểu lầm chị ta là nhà báo.
Tuy nhiên, dù không phải là nhà báo thực sự, mà có là cộng tác viên báo chí, hay có hoạt động báo chí mà có hành vi, cử chỉ như trên cũng không thể chấp nhận được, đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người làm báo chân chính.
Trong thời gian qua đã có rất nhiều vụ việc mạo danh báo chí để can thiệp quá trình xử lý vi phạm của CSGT, và khi họ xuất hiện thì luôn tỏ ra oai phong, hoành tráng, có quan hệ và lời lẽ lúc nào cũng đao to búa lớn. Đơn giản vì họ không phải những người làm báo chân chính, nên họ có quan điểm lệch lạc về nhà báo. Còn những nhà báo thực sự thì ngược lại, họ ứng xử văn minh, lịch sự, chuẩn mực!
Theo Quang Khởi (Pháp Luật & Xã Hội)