Chiều 22/12, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, nhiều câu hỏi thắc mắc về việc tại địa bàn quận Đống Đa, đoạn vỉa hè trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng (trước cổng sở TN&MT và chi cục Văn thư lưu trữ) vừa được cải tạo khang trang bằng đá tự nhiên có tuổi thọ trên 70 năm và được trang trí thêm vườn hoa hai bên. Tuy nhiên, sau khi lát đá xong, tuyến vỉa hè lại bị biến thành bãi đỗ xe, hàng quán kinh doanh… khiến nhiều người dân bức xúc.
Trả lời về vấn đề này, ông Trịnh Hữu Tuấn – Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, sau khi nhận được nhiều ý kiến phản ánh của báo chí, quận đã ra quân kiểm tra, rà soát. "Được biết khu vực này là điểm giáp ranh giữa quận Đống Đa và quận Ba Đình, sau khi rà soát chúng tôi khẳng định điểm xảy ra tình trạng trên không thuộc địa bàn quận mà nằm ở quận Ba Đình", ông Tuấn khẳng định.
Ông Phạm Thanh Học – Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận định, làm vỉa hè không phải để đỗ ô tô. Mà vỉa hè là khoảng cách an toàn giữa người đi bộ và các phương tiện dưới lòng đường.
“Đáy vỉa hè được làm không chắc chắn như lòng đường, nên chỉ phục vụ mục đích cho người đi bộ. Vỉa hè được làm không phải để đỗ ô tô, không làm để cho ô tô đi lên, vì như thế thì có đá tuổi thọ lâu đến mấy cũng dễ vỡ”, ông Học khẳng định.
Phó ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết thêm, đá vỉa hè có đảm bảo chất lượng hay không, có đúng 70 năm tuổi thọ hay không, thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền mới có thể đánh giá kết luận được. Tuy nhiên, để sử dụng vỉa hè đúng công năng, các quận Đống Đa hay các quận, huyện khác cần phải nghiêm chỉnh thực hiện, rà soát, thanh tra xử lý, khắc phục ngay.
Cũng trong buổi giao ban báo chí Thành ủy, ông Trịnh Hữu Tuấn cho biết, năm 2020 lễ phát động ra quân “Năm an toàn giao thông 2020” với chủ đề "Đã uống rượu, bia không lái xe” vào đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán trên địa bàn quận, kỳ thi THPT Quốc gia, quận Đống Đa đã xử phạt hàng nghìn trường hợp vi phạm, phạt hàng chục tỷ đồng.
Theo ông Tuấn, phát huy kết quả 04 năm thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, các tổ công tác liên ngành Ban chỉ đạo 197 (ban Chỉ đạo đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và trật tự đô thị) quận, phường đã duy trì thường xuyên ra quân đảm bảo trật tự đô thị nhất là tại các tuyến phố chính, các nút giao thông, các địa bàn phức tạp về trật tự đô thị; phối hợp với sở Giao thông - Vận tải và các đơn vị chức năng triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo trật tự công cộng, chống ùn tắc giao thông.
“Trong năm, các tổ công tác đã ghi nhận 10.909 hình ảnh vi phạm trên địa bàn các phường và đôn đốc các đơn vị xử lý xử phạt hành chính 7.219 trường hợp, với số tiền khoảng 2,6 tỷ đồng”, ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, ban Chỉ đạo 197 quận đã tiến hành kiểm tra, xử lý gần 30.000 trường hợp vi phạm, phạt 14,5 tỷ đồng (tăng 2.904 trường hợp, thu hơn 3,9 tỷ đồng tiền phạt so với năm 2020). Trong đó: Công an quận xử phạt: 28.233 trường hợp, thu nộp 13 tỷ đồng; nhắc nhở, ký cam kết: 6.078 trường hợp; thu giữ: 404 biển quảng cáo, 07 mái che, mái vậy, mái hiên di động, 1.085 bàn ghế, ô dù các loại, 34 bục bệ.
Đội Thanh tra Giao thông vận tải xử phạt: 1.159 trường hợp, thu nộp 1,4 tỷ đồng; tạm giữ 11 xe ô tô; tước giấy phép lái xe có thời hạn 38 trường hợp.
Thêm nữa, quận đã chỉ đạo tổ chức 27 điểm do UBND quận cấp giấy phép trông giữ phương tiện, xử lý 32 trường hợp trông giữ xe, xử phạt 85 triệu đồng, thu hồi 4 giấy phép, giải tỏa 3 điểm trông giữ xe không phép. Xử lý gần 600 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông xử phạt số tiền 148,5 triệu đồng.
Theo Lê Liên (Nguoiduatin.vn)