Vỉa hè bị tái chiếm, quận nói vẫn kiểm tra đều đặn

21/05/2017 14:13:00

Vỉa hè các đường ở TP.HCM sau đợt cao điểm các quận ra quân chấn chỉnh đã có phần thay đổi, thông thoáng, thế nhưng sau đó lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lòng lề đường nhiều nơi.

Vỉa hè các đường ở TP.HCM sau đợt cao điểm các quận ra quân chấn chỉnh đã có phần thay đổi, thông thoáng, thế nhưng sau đó lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lòng lề đường nhiều nơi.

Trước cửa hàng xe máy trên đường Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM, xe và bàn ghế lấn chiếm hết vỉa hè (ảnh chụp ngày 20-5) - Ảnh: HỮU KHOA

Rất nhiều người dân và hộ kinh doanh ở các quận nói trước đây khi các đợt ra quân xử lý trật tự vỉa hè diễn ra rầm rộ, họ đã tự tháo dỡ các vật dụng lấn chiếm. Nhưng nay thấy “tình hình im ắng”, họ bày ra trở lại.

“Lúc đầu thấy lực lượng chức năng xử lý quyết liệt, nhưng rồi chỉ hơn một tháng lại thấy cơ quan chức năng không xuống đường. Nhiều người dân thấy vậy nên tiếp tục lấn chiếm như cũ. Đến nay mặt bằng chung không khác gì với trước ngoài những vạch kẻ đường

Chị NGUYỄN THỊ NHIỆM (người kinh doanh trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh)

Tái chiếm vỉa hè để xe, buôn bán

Tại đường Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), phần lớn các điểm mua bán đều để những vật dụng hoặc xe máy lấn ra phần vỉa hè, phần dành cho người đi bộ.

Những phần mái che di động, dù che hoặc các vật dụng kinh doanh đều bày ra tràn lan. Nhiều ôtô đậu choán trên vỉa hè, chiếm hết lối khiến người đi bộ phải đi dưới lòng đường.

Đây là hình ảnh trái ngược với thời điểm vài tháng trước đây khi lực lượng chức năng của quận Thủ Đức ra quân lập lại trật tự 
lòng lề đường.

Tương tự, tại đường Phạm Văn Đồng kéo dài qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, tình trạng lấn chiếm diễn ra phổ biến như trước đây.

Đặc biệt vào ban đêm, các quán nhậu, cửa hàng kinh doanh ăn uống bày bàn ghế, xe máy tràn lan ra vỉa hè, ôtô đậu dưới lòng đường như chưa 
hề bị xử lý trước đó.

Trên đường Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp, quận 9, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè cũng diễn ra sau khi lực lượng chức năng “giảm nhiệt” ra quân. Đa số các hộ lấn chiếm vỉa hè để bày bán các vật dụng kinh doanh di động hoặc để xe máy, ôtô.

Tại đường Đỗ Xuân Hợp, vào những ngày cao điểm ra quân trước đây, người dân ở đường này đều tự nguyện tháo dỡ các công trình lấn chiếm nên vỉa hè rất thông thoáng và sạch sẽ.

Nhưng thời gian gần đây, một số đoạn bắt đầu lấn chiếm trở lại. Đó những vật dụng để buôn bán, khi có lực lượng trật tự đến thì mang chạy đi, khi vắng bóng thì mang ra lại.

Vỉa hè bị tái chiếm, quận nói vẫn kiểm tra đều đặn
Ôtô đậu trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 (ảnh chụp chiều 20-5) - Ảnh: LÊ PHAN

Trung tâm: 
ôtô đậu lòng đường

Còn tại quận 1, “trung tâm” của những lần ra quân, chúng tôi ghi nhận vỉa hè khu vực này thông thoáng nhưng cũng xảy ra tình trạng tái lấn chiếm sau các đợt ra quân.

Dù các vỉa hè đã được kẻ vạch sơn quy định phần người dân được phép sử dụng để xe, đa số các hộ dân đều ý thức chấp hành, nhưng vẫn có nhiều nơi để xe máy tràn ra cả phần đường dành cho người đi bộ.

Sau một thời gian xử lý quyết liệt ôtô đậu trên vỉa hè thì nay tình trạng này tái diễn ở một số đường trung tâm như Nguyễn Thái Bình, Đề Thám, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu…

Để đối phó lực lượng chức năng, trên một số đường, người đi ôtô dừng dưới lòng đường thường… bật đèn khẩn cấp nhấp nháy liên tục.

Tại quận 3, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra ở nhiều con đường. Trước nhiều cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng 8 và Nguyễn Đình Chiểu, những hàng xe máy để tràn ra lề đường.

Ở các đường chính như Điện Biên Phủ, Bạch Đằng, D1, D2, Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), “nổi bật” nhất là các loại hình buôn bán kinh doanh lưu động chiếm nhiều diện tích trên vỉa hè, lòng đường khiến vỉa hè các đường trên trở nên bừa bộn, nhếch nhác.

Một số cửa hàng để xe tải đậu dưới lòng đường, bốc dỡ hàng hóa thời gian dài vào giờ cao điểm khiến kẹt xe cục bộ.

Vỉa hè bị tái chiếm, quận nói vẫn kiểm tra đều đặn

Xe máy để kín vỉa hè đường Đề Thám (quận 1) (ảnh chụp chiều 20-5) - Ảnh: LÊ PHAN

Nhiều quận nói kiểm tra đều đặn

Trước tình hình lòng lề đường bị tái lấn chiếm, ông Hoàng Minh Tuấn Anh - phó chủ tịch UBND quận 9 - cho rằng do một số người dân vẫn chưa có ý thức trong việc hỗ trợ cơ quan chức năng tổ chức, lập lại trật tự lòng lề đường.

Nhiều người khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì dọn vào bên trong, khi lực lượng đi thì bày bán trở lại, đa số là các vật dụng buôn bán di động 
nên rất khó xử lý.

“Nói lực lượng chức năng không xuống đường kiểm tra là không đúng, thời gian qua quận vẫn luôn chỉ đạo và đôn đốc các phường hằng tuần vẫn đều đặn xuống đường, kiểm tra xử lý tình trạng vi phạm.

Riêng quận và đoàn liên ngành một tuần vẫn có hai ngày xuống đường để làm công tác lập lại trật tự lòng lề đường. Thời gian tới quận và các phường vẫn tiếp tục xuống đường” - ông 
Tuấn Anh nói.

Với thực trạng nhiều tuyến đường bị tái lấn chiếm như hiện nay, ông Nguyễn Nam Hải - trưởng Phòng quản lý đô thị quận Thủ Đức - cho biết hầu hết các công trình xây dựng cố định lấn chiếm ở các tuyến đường của quận đã được xử lý.

Thế nhưng ông Hải cũng nhìn nhận vẫn còn tình trạng những người buôn bán để các vật dụng di động, xe máy lấn chiếm lòng lề đường.

Ông Hải nói thêm: “Không phải chỉ trong đợt cao điểm mà từ trước đó nữa cho đến nay, quận, đoàn liên ngành cùng 12 phường vẫn thường xuyên ra quân kiểm tra xử lý tình trạng này. Những địa điểm nào đã bị xử lý mà vẫn cố tình vi phạm quận sẽ tăng nặng mức phạt theo quy định”.

Tại quận 3, ông Trần Việt Lâm - đội trưởng đội trật tự đô thị quận - cho biết quận đang áp dụng hình thức kiểm tra chéo giữa các phường với nhau trong công tác lập lại trật tự vỉa hè để đảm bảo sự công bằng và nghiêm minh, không bao che lấy thành tích.

Đồng thời đội trật tự đô thị quận và cảnh sát trật tự quận cũng thường xuyên ra quân kiểm tra các tuyến đường trên địa bàn để xử lý các trường hợp đậu ôtô trên vỉa hè, đậu xe máy tràn lan.

Tại quận 1, ông Lâm Ngô Hoàng Anh - chánh văn phòng UBND quận - nói công tác kiểm tra lấn chiếm vỉa hè vẫn được duy trì từ cấp độ phường đến đội quản lý trật tự đô thị quận.

Công viên Gia Định: quán ăn tràn ra đường

Khi quận Gò Vấp ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, các hàng quán trên tuyến đường quanh công viên Gia Định được dẹp, không còn cảnh buôn bán nhếch nhác.

Thế nhưng tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường tại đây còn tăng hơn trước khi các đơn vị ra quân.

Đặc biệt, trên đường Đặng Văn Sâm nối dài mới được mở xuyên qua trung tâm công viên Gia Định, những quán ăn tràn ra, gần như chiếm hết cả nửa bên đường. Vỉa hè nơi đây bày ghế, bàn ăn không khác gì trong quán.

Ông Lê Đình Bảy - phó chủ tịch quản lý đô thị phường 3, quận Gò Vấp - nói: “Việc dẹp triệt để vấn đề này là rất khó.

Trong quá trình tuần tra xử lý, việc bán hàng rong giảm rõ rệt, tuy nhiên còn tùy thuộc vào ý thức và việc mưu sinh của người bán. Nhưng UBND phường vẫn giữ quan điểm quyết liệt trong việc xử phạt hành vi lấn chiếm”.

Vỉa hè bị tái chiếm, quận nói vẫn kiểm tra đều đặn

Phần đường dành cho người đi bộ trên phố Xã Đàn thông thoáng (ảnh chụp chiều 20-5) - Ảnh: Q.THẾ

Vỉa hè Hà Nội thông thoáng

Vỉa hè Hà Nội thông thoáng sau hơn 2 tháng lực lượng liên ngành các quận, huyện đồng loạt ra quân xử lý vi phạm, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè.

Đến chiều 20-5, ghi nhận trên một số tuyến đường như Xã Đàn, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Thái Hà, Thái Thịnh (quận Đống Đa), Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Phong Sắc, Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), Nguyễn Trãi, Thượng Đình (quận Thanh Xuân)… xe cộ để đúng nơi quy định, ít xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh.

Bà Lê Thu Trang (43 tuổi, kinh doanh trên phố Nguyễn Khánh Toàn) cho biết: “TP lập lại trật tự trên vỉa hè chúng tôi luôn đồng tình vì đây là hành động cần thiết. Thời điểm không có tổ công tác liên ngành kiểm tra, người dân vẫn chấp hành đúng quy định. Với những khu phố vỉa hè rộng như Nguyễn Khánh Toàn người kinh doanh còn có nơi để xe cho khách, tuy nhiên nhiều phố không có vỉa hè, vỉa hè bé thì TP cần có các điểm trông xe di động giá rẻ, tạo điều kiện hơn cho các hộ kinh doanh…”.

Ông Trần Văn Ba (66 tuổi, phố Liễu Giai, quận Ba Đình) chia sẻ: “Sau khi Hà Nội dọn dẹp lại vỉa hè đường phố đẹp, quy củ hơn trước. Tuy nhiên, có nhiều người lao động nghèo sống bám nhờ vào vỉa hè mất công ăn việc làm thì TP cũng cần bố trí công việc, hỗ trợ họ phần nào để chuyển đổi nghề nghiệp…”.

Q.THẾ

Theo L Phan - Q Khải - T Đức - N Tiến (Tuổi Trẻ)

Nổi bật