Lần theo dấu vết từ hóa đơn, lệnh chuyển tiền, trả tiền từ các tài khoản Vi Tran sử dụng trước đây, trong đó, có tài khoản thể hiện tên My Truc Le. Vậy Vi Tran có quan hệ với My Truc Le như thế nào?
Ngày 7.1, Cảnh sát bang New South Wales (NSW, Úc) đã cử điều tra viên đến gặp đại diện Hội du học sinh Việt Nam và văn phòng đại diện của Vietnam Airlines tại Sydney, để lấy lời khai ban đầu và thụ lý vụ việc. Cảnh sát NSW cho biết sẽ mở một hệ thống riêng để các nạn nhân của vụ lừa đảo gởi đơn tố giác và các bằng chứng.
Điêu đứng vì cái tên 'Vi Tran'
Trong khi đó, tại Melbourne, thủ phủ của bang Victoria, hàng chục nạn nhân của Vi Tran đã đến các đồn cảnh sát tố giác sự việc. Những ngày qua, Thanh Niên tiếp tục nhận được các thư “kêu cứu” của nạn nhân ở 2 thành phố lớn nhất Úc là Sydney và Melbourne.
Trao đổi với Thanh Niên, P.H. đang học tại Sydney, cho biết: “Em có mua của Vi Tran 2 vé máy bay khứ hồi về Việt Nam vào tháng 6.2016 và trở lại Sydney vào cuối tháng 7.2016. Trước khi em mua vé của chị này, em cũng lo lắm nhưng do biết nhiều người bạn của em đã mua vé mấy năm trước rồi và đi về vẫn bình thường nên em tin tưởng”.
|
Nạn nhân đến trình báo vụ lừa đảo cho cảnh sát ở khu Banktown (NSW) - Ảnh: Emily Trần
|
“Một phần em theo dõi ‘feedback’ của chị này rất lâu rồi, thấy ai cũng nói tốt, uy tín và bạn em mua vé cũng vừa về Việt Nam cách đây vài tuần nên em yên tâm chuyển tiền cho chị ấy. Em và rất nhiều người khác nữa cũng chỉ biết Vi Tran qua Facebook chứ không ai biết rõ nhà cửa hay mặt mũi như thế nào. Thậm chí tên cũng không rõ có phải tên thật của chị ấy hay không”, P.H nói tiếp.
“Sau khi mua, Vi Tran nói chuyển tiền cho chị ấy trước rồi xuất vé sau. Khoảng 2 tuần sau khi hối thúc mãi thì em nhận được vé và có cả mã xác nhận. Nhưng khi mọi chuyện vỡ lở, nghe mọi người bàn tán trên Facebook thì em lo lắng nên gọi điện trực tiếp lên văn phòng Vietnam Airlines tại Sydney để kiểm tra, thì mới tá hỏa biết rằng mã vé đó là giả. Giờ liên lạc với Vi Tran không được”, P.H lo lắng thuật lại.
Không riêng P.H, hiện hàng trăm nạn nhân khác của Vi Tran đang như ngồi trên lửa khi không chỉ đối mặt với việc mất hàng ngàn đô la Úc (AUD) mà còn phải hủy kế hoạch về Việt Nam sum vầy với người thân.
|
Trang Facebook của Vi Tran đã đóng |
Choáng hơn, có nạn nhân đứng ra mua cho người thân đến 8 vé về Việt Nam đón Tết, nhưng giờ phát hiện đến 7 vé là giả. “Cả nhà em mua qua Vi Tran 8 vé máy bay về Việt Nam , trong đó có 1 vé mua từ tháng 7 thì dùng được, 7 vé còn lại mua sau thì tất cả mã vé không còn giá trị, trong khi em đã gởi tiền thanh toán rồi”, M.D, một nạn nhân khác của Vi Tran cho biết.
Giá trung bình của mỗi vé khứ hồi về Việt Nam dịp tết khoảng 1.500 AUD thì với 7 vé, người thân của M.D có thể phải mất hơn 10.000AUD.
Vi Tran là ai?
May mắn hơn các sinh viên khác, L.H.T cho Thanh Niên hay anh đã lấy lại được tiền sau khi thông tin vụ lừa đảo được loan ra.
“May cho em là khi mua vé về Việt Nam, Vi Tran nói là em có thể thanh toán bằng tài khoản ở Việt Nam, và cho số tài khoản 7101000013… và điện thoại liên lạc số 0919452…. Em gọi về cho mẹ nói chuyển tiền và liên lạc với số Vi Tran đưa ở Việt Nam”, L.H.T kể.
“Đến hôm 6.1, biết mã vé đã bị hủy, em gọi về nhà nói mẹ gọi lại số Vi Tran đưa đòi lại tiền nhưng đầu dây kia không nghe máy. Sau đó người nhà em mới nhắn tin báo là nếu không trả thì báo công an vào cuộc, người này mới gọi lại và xin lỗi, nói là con bà ấy tên Trúc, cũng bị lừa và hứa trả lại 19 triệu đồng, tương đương giá trị tấm vé 1.180AUD”, L.H.T nói.
Lần theo các lệnh chuyển tiền, trả tiền mà một số nạn nhân cung cấp cho Thanh Niên, xuất hiện một cái tên My Truc Le trên các hóa đơn trả tiền mà người có tên Vi Tran thực hiện giao dịch với khách hàng.
|
Cảnh sát bang New South Wales làm việc với đại diện Hội du học sinh Việt Nam ở Sydney - Ảnh: VDS cung cấp
|
Cụ thể, trong một giao dịch với Vi Tran vào tháng 7.2015, một cô gái tên P.L đã đặt mua vé khứ hồi tuyến Sydney – TP.HCM với hành lý được mang theo 40kg cho mỗi chuyến. Tuy nhiên, khi trở về Sydney, lúc làm thủ tục lên máy bay, P.L mới biết vé của cô chỉ được mang theo 30kg hành lý. Sau khi về Úc, P.L đã liên lạc với Vi Tran và được người này trả lại 80AUD cho việc “mất” 10kg hành lý.
Trên lệnh chuyển tiền vào ngày 4.9.2015, thể hiện tên người gởi là My Truc Le, trong ghi chú chuyển tiền có để “Refund from Vi”. Tương tự, trong một lệnh chuyển tiền của Vi Tran trả lại cho khách hàng vào ngày 22.11.2015, trên đó cũng thể hiện tên My Truc Le.
Việc Vi Tran và My Truc Le có phải là một hay là người hậu thuẫn, hỗ trợ cho Vi Tran thì cần được làm rõ; tuy nhiên, có một điều chắc chắn, Vi Tran và My Truc Le không thể là hai người xa lạ.
Chiều 7.1, Vietnam Airlines khẳng định Vi Tran không phải là đại lý chính thức có hợp đồng thương mại với họ. Theo đánh giá của cảnh sát Úc, việc mua bán giữa khách hàng với Vi Tran là các giao dịch dân sự giữa các cá nhân, không liên quan đến Vietnam Airlines. Cảnh sát khuyến cáo các nạn nhân đưa vụ việc ra cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (Fair Trading) để đòi lại quyền lợi. |
>> Cảnh sát Australia tạm dừng nhận báo cáo lừa đảo vé máy bay
>> Đại sứ quán Việt Nam tại Australia hỗ trợ các du học sinh bị lừa mua vé giả
>> Australia điều tra vụ người Việt bị lừa mua vé máy bay giả
>> Bị lừa vé máy bay Tết, người Việt tại Australia cần làm gì?
>> Trên 300 du học sinh Việt báo bị lừa 400.000 AUD mua vé máy bay Tết
>> Du học sinh Việt ở Úc rúng động sau cú lừa mua vé máy bay Tết
Theo Phan Công (Thanh Niên Online)