Vì sao trường gắn mác quốc tế hoạt động tràn lan, không bị tuýt còi?

09/08/2019 20:51:26

Video họp báo: Học sinh lớp 1 trường Gateway chết trước khi vào bệnh viện

Hiện nay có rất nhiều trường tự xưng “quốc tế” hoặc được cấp phép hoạt động nhưng bản chất không phải như vậy.

Vì sao trường gắn mác quốc tế hoạt động tràn lan, không bị tuýt còi?
Các phụ huynh đến tận trường quốc tế để đón con. Ảnh: Như Ý

Đánh vào tâm lý sính ngoại, nhu cầu của dân cho con học với giáo viên nước ngoài tại những ngôi trường có tên rất “Tây” ngày càng tăng, nhiều trường học đang tự gắn các mác “quốc tế”.

Theo số liệu công bố trên website của Sở GD&ĐT TPHCM, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố chỉ có 21 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên rất nhiều trường không nằm trong danh mục 21 trường quốc tế này nhưng website của họ vẫn quảng cáo là trường quốc tế. Nhân viên tư vấn của những trường này cũng khẳng định hoặc lập lờ cho biết, đó là trường quốc tế hoặc trường áp dụng chuẩn quốc tế.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện tại, ở Hà Nội chỉ có 7 trường quốc tế đang hoạt động, số trường còn lại có gắn thêm chữ “quốc tế” nhưng bản chất không phải như vậy.

Hiệu trưởng về hưu của một trường THPT có tiếng tại TPHCM cho biết, thực trạng nhiều trường chạy đua gắn mác trường quốc tế là có, bởi tâm lý phụ huynh giàu có thường sính ngoại, muốn con mình học ở môi trường đẳng cấp.

Theo các chuyên gia, hiện mới chỉ có Nghị định 86/2018/NĐ- CP quy định hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định: Liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; Cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong đó, điều 29 quy định việc đặt tên theo thứ tự: Trường - cấp học hoặc trình độ đào tạo - tên riêng. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh. Như vậy, trường có vốn đầu tư nước ngoài không quy định có từ “quốc tế”.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trường quốc tế phải có học sinh quốc tế, giáo viên quốc tế, có cơ sở nhiều nước, được thừa nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia; Văn bằng, chứng chỉ cũng phải được các nước công nhận. Còn việc “gắn nhãn” quốc tế là “con gà đẻ quả trứng vàng” và vi phạm luật cạnh tranh, quảng cáo sai, lừa dối người dân.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng, hiện nay có rất nhiều trường tự xưng “quốc tế” hoặc được cấp phép hoạt động nhưng bản chất không phải như vậy. Bởi vì, các trường quốc tế phải đáp ứng được 3 tiêu chí gồm: Trường phải có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau để học sinh có thể chuyển tiếp ra nước ngoài học hoặc thi lên trình độ cao hơn; Chương trình phải được nhiều quốc gia công nhận; Quy định về ngôn ngữ dạy học bằng ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp…

Còn thực tế đang có những trường gắn nhãn quốc tế hoạt động tràn lan, không bị “tuýt còi” khiến người dân hiểu lầm là do cơ quan nhà nước tiếp tay, buông lỏng quản lý. Ông cho biết, những trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT do UBND quận huyện, phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT quản lý. Còn hệ thống trường ĐH do Bộ GD&ĐT quản lý.

Theo TS Khuyến, một số phụ huynh nghĩ rằng, trường “quốc tế” chất lượng tốt hơn “trường nội” nên không ngần ngại chi tiền đầu tư cho con học. Trên thực tế, nếu các trường này dạy học không đúng như quảng cáo, người dân sẽ thiệt thòi, phải chi trả mức học phí cao không đáng và không có nguồn nhân lực chất lượng như mong đợi.

Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)