Vì sao TP.HCM bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân?

24/11/2022 18:56:04

Với việc “xóa” hơn 25 nghìn tổ dân phố, tổ nhân dân giúp TP.HCM sẽ tinh gọn được hơn 38 nghìn cán bộ không chuyên trách.

Trăm dâu đổ đầu…cán bộ dân phố

Trưa 24/11, một bà lão tóc bạc vội vã lao xe đạp vào văn phòng khu phố 3 (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) để nhận các tờ “Lệnh gọi nhập ngũ” mang về phát cho các thanh niên được chọn đi nghĩa vụ quân sự. 

Bà là Nguyễn Thị Thủy (72 tuổi), có thâm niên 20 năm làm tổ trưởng tổ dân phố 1 của khu phố 3, phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức. 

Trao đổi với VietNamNet, bà cho biết, tuổi cao và sức yếu nên nhiều lần đã xin nghỉ.  “Khu phố tìm người thay thế nhưng không ai dám nhận việc này nên tôi tiếp tục làm, chứ làm tổ trưởng dân phố khổ nhiều hơn vui”, bà Thủy cho hay.

Vì sao TP.HCM bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân?
Giữa trưa, với chiếc xe đạp cọc cạch Tổ trưởng tổ dân phố Nguyễn Thị Thủy vẫn đi giao giấy tờ cho các hộ dân

Theo bà, phụ cấp hiện nay mỗi tháng chỉ khoảng 580 nghìn đồng, nhưng phải ôm quá nhiều việc. Nắng cũng như mưa, có việc là phải vác xe ra đường. 

“Khổ nhất là thời gian chống dịch Covid-19. Khi thành phố triển khai hỗ trợ tiền cho người dân bị ảnh hưởng dịch, nhiều người không nằm trong diện được hưởng nhưng không hiểu chuyện đã chửi tôi rất nhiều. Có người đang đêm đến đập cửa, kêu tôi là người lừa gạt, uất ức lắm…”, bà Thủy nói giọng buồn buồn. 

Góp thêm lời, ông Bùi Hồng Quang, tổ trưởng khu phố 3 tâm tư, khu phố với hơn 16 nghìn dân chia thành 11 tổ. Tổ thấp thì cũng 400 dân, tổ cao trên 2.000 dân nên các tổ trưởng làm việc rất vất vả. Trong khi phụ cấp chưa đủ tiền đổ xăng đi làm. Đã có nhiều tổ trưởng xin nghỉ, nhưng không có người thay thế nên vẫn gắng làm. 

“Chúng tôi nhiều lần kiến nghị tăng tiền hỗ trợ nhưng rất khó, vì cán bộ không chuyên trách nhận phụ cấp theo quy định, khó thay đổi”, ông Quang cho hay. 

Vì sao TP.HCM bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân? - 1
Tổ trưởng khu phố 3, phường Bình Chiểu Bùi Hồng Quang đang giao việc cho bà Nguyễn Thị Thủy

Với đề án sắp xếp lại mô hình dưới phường, xã, ông Quang nhận định sẽ khó khăn thêm cho cán bộ dân phố. Cần cách làm phù hợp, có lộ trình rõ ràng để cán bộ không chuyên trách phải ôm thêm việc. 

Những cán bộ không chuyên trách như ông Quang, bà Thủy chính là hình ảnh đại diện cho hàng chục ngàn cán bộ dân phố hiện nay làm việc với tinh thần “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. 

Tinh gọn hơn 38 nghìn cán bộ dân phố

Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri ở quận Gò Vấp, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận, phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách quá thấp.

Ông cho biết, TP luôn tìm các nguồn để tăng hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách, trong đó có chế độ thu nhập đặc thù khi thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 (Nghị quyết đặc thù để phát triển TP.HCM). 

Song song đó, ông Mãi thông tin, UBND TP đã trình Thành ủy đề án sắp xếp lại mô hình tổ chức dưới phường, xã theo quy định của Trung ương và Thành ủy đã đồng ý. 

Theo đề án này, việc "xóa" tổ dân phố được hiểu là từ năm 1985 đến nay, tại TP.HCM áp dụng mô hình dưới phường (xã, thị trấn) có khu phố - ấp và tổ dân phố. Mô hình tổ chức thêm tổ dân phố bên dưới khu phố - ấp này không phù hợp với quy định của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố nên TP.HCM phải sắp xếp lại, xóa bỏ cấp tổ dân phố. 

Về tên gọi sau khi sắp xếp, TP.HCM gọi tổ dân phố (theo quy định của Bộ Nội vụ) là khu phố và thôn (theo quy định) là ấp.

Vì sao TP.HCM bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân? - 2
Cán bộ làm việc ở TP.HCM luôn đối diện với áp lực quá tải, trong khi thành phố buộc phải tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương

Lãnh đạo TP.HCM đánh giá, khi triển khai thực hiện mô hình mới bước đầu sẽ gặp khó khăn, lúng túng trong hoạt động, sắp xếp nhân sự vì số lượng cán bộ giảm đột ngột quá lớn (từ khoảng 64.293 người giảm còn 26.210 người).

Việc sắp xếp sẽ giải quyết được các bất cập trong hoạt động của các tổ chức bên dưới cấp phường, xã về tình trạng “hành chính hóa, hoạt động không đúng nhiệm vụ, quyền hạn” của khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân; giải quyết được tình trạng quá tải công việc, gây áp lực lớn lên những người hoạt động không chuyên trách trong khi kinh phí hỗ trợ không tương xứng với thời gian, công sức hoạt động.

Theo chủ trương sắp xếp, sau khi bỏ cấp tổ dân phố - tổ nhân dân, mỗi khu phố có 450 hộ trở lên và ấp có 350 hộ trở lên. Khi đó, TP.HCM sẽ có 5.242 khu phố - ấp, gồm 4.000 khu phố và 1.242 ấp. Về số lượng người hưởng phụ cấp, hiện tại có 13 chức danh hưởng phụ cấp, sau khi sắp xếp sẽ còn 3 chức danh gồm bí thư chi bộ, trưởng khu phố - ấp và trưởng ban công tác Mặt trận. 

Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động rộng khắp và đưa các hoạt động phong trào triển khai đến đoàn viên, hội viên, Ban cán sự Đảng UBND TP đề xuất bổ sung thêm 2 chức danh chi hội trưởng hội phụ nữ và bí thư Đoàn thanh niên. Như vậy, sau sắp xếp sẽ có 5 chức danh ở khu phố - ấp hưởng phụ cấp.

Lãnh đạo thành phố cũng cho biết, khi sắp xếp lại chỉ còn 5 chức danh người hoạt động không chuyên trách với số hộ dân ở mức 450 hộ/khu phố và 350 hộ/ấp là tương đối cao và áp lực. Do đó, sẽ cần bầu chọn những người tâm huyết, có khả năng thích ứng với cường độ công việc, có khả năng sử dụng công nghệ thông tin khi tham gia nhiệm vụ ở khu phố - ấp.

TP.HCM đang tồn tại 27.377 mô hình tổ chức dưới phường, xã gồm: 2.008 khu phố - ấp; 25.369 tổ dân phố - tổ nhân dân; nhân sự hoạt đồng gồm 64.293 người, trong đó, khu phố - ấp: 17.407 người; tổ dân phố - tổ nhân dân: 46.886 người.

Theo chủ trương sắp xếp, sau khi bỏ cấp tổ dân phố - tổ nhân dân sẽ còn 5.242 khu phố - ấp. Số người hoạt động từ 64.293 người giảm còn 26.210 người; số người hưởng phụ cấp từ 13 chức danh, giảm còn 3 chức danh gồm bí thư chi bộ, trưởng khu phố - ấp và trưởng ban công tác Mặt trận. TP.HCM cũng đề ra lộ trình, đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc sắp xếp này với chủ trương “xóa” 25.369 tổ dân phố - tổ nhân dân.

Theo Hồ Văn (VietNamNet)

Nổi bật