TP HCM và các cơ quan liên quan dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (ĐTTT) vừa bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra một loạt sai phạm - nguyên nhân khiến người dân bức xúc, khiếu nại liên tục hàng chục năm qua. Trong đó, việc thành phố tự ý lấy thêm 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt được cho là rất nghiêm trọng, đẩy hàng chục hộ dân vào cảnh mất nhà cửa.
TP HCM 'sửa' quy hoạch của Thủ tướng
Ngày 4/6/1996, Thủ tướng có Quyết định 367 phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu ĐTTT với tổng diện tích 930 ha gồm: Khu đô thị mới 770 ha và Khu tái định cư 160 ha nằm giáp ranh. Cả hai khu đều thuộc địa bàn phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm (quận 2).
Tuy nhiên, trước khi quyết định của Thủ tướng ban hành, TP HCM đã giao 23,3 ha đất ở phường Bình An cho 5 doanh nghiệp đầu tư dự án kinh doanh nhà ở, khu vui chơi, giải trí, thương mại. So với quy hoạch được phê duyệt, diện tích Khu đô thị mới đã giảm 26,3 ha (bao gồm 3 ha mặt nước).
Để bù vào phần hụt này, ngày 16/9/1998, theo yêu cầu của UBND TP HCM, Kiến trúc sư trưởng thành phố đã phê duyệt quy hoạch 1/2000 Khu ĐTTT có nội dung bổ sung ranh quy hoạch khoảng 4,3 ha đất phía Bắc - thuộc một phần Khu phố 1, phường Bình An.
Đến ngày 6/3/2002, TP HCM yêu cầu các đơn vị chức năng cắm mốc đủ 770 ha Khu đô thị mới theo quy hoạch được phê duyệt; xác định địa điểm, diện tích và ranh giao đất theo giải pháp bổ sung diện tích Khu tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc UBND thành phố thu hồi 4,3 ha đất thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án trong Khu ĐTTT là "chưa đủ cơ sở pháp lý" dẫn đến thiếu căn cứ thực hiện, không xác định đúng, đủ diện tích đất phục vụ tái định cư theo quy hoạch.
Không đủ đất cho Khu tái định cư vì đã làm 51 dự án
Quyết định 367 phê duyệt Khu tái định cư có diện tích 160 ha, giáp ranh quy hoạch Khu đô thị mới. Tuy nhiên, thành phố vẫn lấy đất khu vực này giao cho doanh nghiệp làm 51 dự án nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng... với tổng diện tích khoảng 144,6 ha.
Việc này khiến thành phố chỉ còn hơn 46 ha (trong phạm vi 5 phường) - không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch của Thủ tướng, phải bổ sung bằng các quỹ đất khác ở nhiều nơi trên địa bàn quận 2. Cụ thể, năm 2002, UBND TP HCM yêu cầu các sở ngành rà soát quỹ đất trên địa bàn quận 2, thu hồi đất của các dự án chậm triển khai, không nhất thiết một địa điểm.
Theo Thanh tra Chính phủ, so với quy hoạch, TP HCM còn thiếu gần 114 ha bố trí tái định cư nhưng không báo cáo Thủ tướng. Việc thành phố giao đất cho doanh nghiệp làm dự án cũng có nhiều vi phạm như: không qua đấu giá, giao đất không đúng với giấy phép kinh doanh; không đúng thẩm quyền; không có quy hoạch chi tiết 1/2000 được duyệt; chưa ký hợp đồng thuê đất vẫn cho phép sử dụng.
Kiểm tra các dự án, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện vi phạm về quy hoạch và giấy phép xây dựng (lấn sông, xây dựng công trình sai quy hoạch, vượt số tầng); tính toán tiền sử dụng đất chưa đúng quy định...
TP HCM phải làm rõ sai phạm của cá nhân, tổ chức
Thanh tra Chính phủ cho rằng, các sai phạm của TP HCM đã phá vỡ quy hoạch Khu ĐTTT được Thủ tướng phê duyệt; thể hiện sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất. Đây là nguyên nhân khiến cuộc sống nhiều người dân bị ảnh hưởng, khiếu nại kéo dài, việc xây dựng Khu ĐTTT bị đình trệ.
UBND TP HCM được yêu cầu làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, tái định cư; việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản đồ...
Đối với những hộ dân bị ảnh hưởng, TP HCM cần rà soát từng trường hợp, đặc biệt là các hộ trong khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phù hợp.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã thành lập Tổ công tác giải quyết các trường hợp khiếu nại liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện quy hoạch Khu ĐTTT.
Đứng đầu tổ công tác là Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị Trần Vĩnh Tuyến làm tổ phó. Thành viên tổ còn có 2 đại biểu Quốc hội; lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ban Pháp chế HĐND thành phố và một số sở ngành.
Tổ công tác sẽ giải quyết từng khiếu nại theo mốc thời gian cụ thể - từ một đến 4 tháng, tính từ thời điểm Thanh tra Chính phủ có kết luận.
Khu ĐTTT được kỳ vọng đẹp và hiện đại nhất Đông Nam Á, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay). Sau 22 được phê duyệt, dự án giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến trung ương trong nhiều năm liền, cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị giải tỏa; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định.
Ngày 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ làm rõ khiếu nại của người dân với tinh thần "sai thì cương quyết sửa", yêu cầu TP HCM và các cơ quan khẩn trương thực hiện những chính sách phù hợp với người dân.
Theo Thiên Ngôn (VnExpress.net)