Vì sao thực phẩm "bẩn" tung hoành

19/04/2016 08:34:41

Mức răn đe nhẹ, thương lái ham lời, người mua ít hiểu biết... đẩy tình trạng thực phẩm "bẩn" hoành hành khắp nơi gây nguy hại tính mạng người dân.

Mức răn đe nhẹ, thương lái ham lời, người mua ít hiểu biết... đẩy tình trạng thực phẩm "bẩn" hoành hành khắp nơi gây nguy hại tính mạng người dân.

Trời về khuya, xe chuyên dụng của Thanh tra chi cục Thú y TP HCM bất ngờ tiếp cận lò mổ Nam Phong (quận Bình Thạnh). Lò này lấy hơn 1.000 heo mỗi đêm từ Đồng Nai, Bình Thuận… xả thịt mang ra chợ bán trước khi trời sáng. Đoàn công tác phát hiện 124 heo dương tính với chất cấm Salbutamol - tạo nạc, gây ung thư.
 
Tuy nhiên, lần "đột kích" của cơ quan chức năng đêm cuối tháng 1 chỉ có thể lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính mà không thể tạm giữ số heo có chất cấm. Chủ lô heo làm cam kết giữ chúng lại đến khi có xét nghiệm âm tính với Salbutamol sẽ được mang đi giết mổ.
 

Những con heo nghi nhiễm chất cấm trong lò giết mổ ở vùng ven Sài Gòn. Ảnh: H.H

Trong 10 ngày kiểm tra đầu năm, chi cục Thú y phát hiện gần 1.000 heo nhiễm chất cấm. Hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo cao gấp hàng trăm đến nghìn lần mức cho phép. Trong số các thương lái vi phạm, có trường hợp vi phạm đến lần thứ 5.

Hành vi sử dụng chất cấm phần lớn ở các trang trại và hộ chăn nuôi. Họ lấy từ tay các thương lái, nhân viên tiếp thị cám hoặc mua nhỏ lẻ từ các đại lý thuốc để tạo nạc cho heo, tăng lợi nhuận mà không hiểu hết tác hại. Một lãnh đạo Chi cục Thú y TP HCM cho là do lãi cao nên thương lái bất chấp tất cả.

"Mỗi con heo có chất cấm xuất ra thị trường, chủ lời khoảng một triệu đồng. Việc xử phạt hiện rất nhẹ nên không có tác dụng răn đe khiến thương lái thua keo này bày keo khác", ông này nói.

Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp Phạm Tiến Dũng cho biết, theo quy định thời điểm đó, nếu phát hiện nước tiểu heo dương tính với chất cấm, cơ quan chức năng sẽ lưu giữ toàn bộ heo sống và tiếp tục phân tích định lượng. Sau 7 ngày, nếu kết quả kiểm tra heo âm tính với chất cấm thì cơ quan chức năng cho phép được giết mổ heo.

Nếu dùng phương pháp kiểm tra thông thường, phải mất 36 giờ mới lấy được kết quả xét nghiệm nước tiểu. Đơn vị kiểm tra không thể lưu giữ số heo trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm bởi không có chuồng trại, nhà lạnh bảo quản. Trong thời gian chờ đợi, chủ heo đã mang đi tiêu thụ hết.

"Nếu kết quả phân tích cho thấy thịt nhiễm chất cấm vượt ngưỡng thì cơ quan chức năng dễ dàng xử lý nhưng nếu kết quả âm tính thì thậm chí có thể bị chủ heo kiện, đền bù thiệt hại", ông Dũng nói và cho biết năm 2015 chưa có lô heo nhiễm chất cấm nào bị tiêu hủy.
 

Cơ sở ngâm măng chua tạo màu bằng vàng ô ở quận 12, TP HCM. Ảnh: A.X

Tình trạng thực phẩm nhiễm chất cấm tràn lan ở các chợ rất đáng báo động. Đầu năm nay, Phòng Cảnh sát Môi trường TP HCM (PC49) phát hiện hàng loạt cơ sở chế biến măng chua ở quận 12, số lượng lên đến hàng chục tấn, sử dụng chất vàng ô (Auramine). Chất này được mua dễ dàng tại chợ Kim Biên với giá 26.000 đồng một kg - chủ yếu nhập từ Trung Quốc, được sử dụng cho sản xuất giấy, nhuộm.

Còn trong báo cáo của Đà Nẵng, có 7/7 mẫu đơn vị này gửi vào TP HCM kiểm tra đều có chất vàng ô gây ung thư nhưng chỉ có thể dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền. Trung tâm xét nghiệm này không do nhà nước quản lý và chứng nhận nên không có căn cứ xử lý các cơ sở vi phạm.

Hồi đầu năm, Bộ Nông nghiệp đưa chất vàng ô vào danh mục chất cấm. Nhưng qua rà soát, chỉ cần 5.000 đồng có thể pha 200 lít nước hóa chất, đủ ngâm khoảng 50 kg dưa cải, măng tươi. Người bán hầu hết không biết chất vàng ô bị cấm và độc hại thế nào. Họ thấy người mua thích măng màu vàng đẹp mắt nên mua ăn.

Việc kiểm tra, các cơ quan liên ngành cũng vướng cơ chế khi phải thông báo cho cơ sở, hộ kinh doanh trước 5 ngày. Điều này tạo cơ hội cho các tiểu thương lách luật, không dùng chất nhuộm bị cấm trong những ngày bị kiểm tra.

Thêm nguyên nhân khiến tình trạng thực phẩm "bẩn" tràn lan, Trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong nói rằng, công tác thanh tra kiểm tra hiện vẫn chưa hiệu quả, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan chức năng trong đó có cả cơ quan y tế. Ngoài ra, tập quán mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ, đặc biệt là chợ cóc gây khó khăn trong việc kiểm tra kiểm soát thực phẩm.

Còn ông Tống Xuân Chinh – Phó cục Chăn nuôi - cho biết, ngoài 9 tấn Salbutamol được nhập bằng đường công khai, năm 2015, Việt Nam có đường biên giới dài nên số liệu nhập lậu hiện không thể kiểm soát được. "Chất kháng sinh, chất mới trên thế giới cũng ra đời nhiều, khoảng 400 chất một năm nên mình cần cập nhật để kịp thời phát hiện", ông Chinh nói.
 

Một cơ sở biến thịt heo nái thành thịt bò bị phát hiện ở TP HCM. Ảnh: A.X

Về giải pháp khắc phục các lỗ hổng, Bộ Nông nghiệp đã ban hành Thông tư 01/2016 điều chỉnh Thông tư 57/2012. Điểm mới của điều chỉnh này là từ ngày 25/2 lực lượng chức năng nếu phát hiện gia súc, gia cầm sử dụng chất cấm sẽ được phép tiêu hủy ngay tại chỗ. Quy định trước đây chỉ cho phép kiểm tra rồi giữ lại đàn heo theo dõi, khi hết tồn dư chất cấm lại được giết mổ.

"Việc xử phạt như trước không khiến người vi phạm sợ bởi nếu vi phạm, họ chấp nhận đóng phạt rồi lại giết mổ. Giờ làm mạnh tay, vừa bị phạt vừa tiêu hủy, mất tài sản nhiều họ mới sợ được", ông Nguyễn Văn Việt – Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp - cho biết.

Riêng TP HCM đã đồng ý chủ trương thành lập đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm với mong muốn kiểm soát tình hình, đang chờ sự đồng ý của Thủ tướng. Khi ra đời, trung tâm sẽ trực thuộc quản lý của UBND thành phố, sẽ chăm lo về thực phẩm, môi trường cho hàng triệu người dân.

Từ ngày 1/7, hành vi chế biến, buôn bán, sử dụng chất cấm có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm.

Theo Duy Trần (VnExpress.net)

Nổi bật