Vì sao nhiều trường vẫn băn khoăn về việc miễn học phí?

20/09/2018 08:23:00

Không chỉ phụ huynh học sinh, mấy ngày qua giáo viên các trường ở khu vực TP.HCM cũng ngóng chờ thông tin sau khi UBND TP.HCM chính thức kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép được miễn học phí cho các học sinh đang theo học tại các trường THCS công lập. Tuy nhiên đằng sau chính sách đầy nhân văn này, không ít trường lại tỏ ra băn khoăn...

TP.HCM tiên phong xin miễn học phí cho học sinh đang theo học tại các trường công lập đã nhanh chóng nhận được những tín hiệu tích cực từ phía xã hội. Chưa dừng lại ở bậc THCS, hiện TP.HCM tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để tiến hành việc miễn học phí với đối tượng học sinh ở bậc mầm non. Theo đó, từ năm 2019 học sinh ở TP.HCM trong độ tuổi từ 5 tuổi cho tới khi học hết bậc THCS tại hệ thống các trường công lập trên địa bàn thành phố sẽ không phải đóng học phí. TP.HCM khẳng định, với tổng số tiền thu học phí bậc THCS bình quân khoảng 350 tỷ đồng/năm thì TP.HCM hoàn toàn có thể cân đối từ ngân sách của thành phố để bù đắp.

Ngược lại với quyết tâm của UBND TP.HCM, nhiều trường bắt đầu tỏ ra lo lắng khi nguồn thu từ học phí không còn. Vì theo quy định hiện nay, tùy từng trường tiền học phí sẽ sử dụng một phần vào cải cách tiền lương, phần còn lại sử dụng vào các hoạt động khác. Cụ thể, tại quận Gò Vấp, các trường được sử dụng 40% nguồn thu học phí để chi cải cách tiền lương, còn 60% sẽ được sử dụng vào các hoạt động khác. Theo đó, với số lượng khoảng 27.968 học sinh bậc THCS, 7.818 trẻ 5 tuổi học mầm non trên địa bàn quận Gò Vấp, thì hằng tháng các trường sẽ mất đi một khoản không nhỏ, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của các trường.

Mặc dù rất ủng hộ, thậm chí vui mừng trước quyết tâm miễn học phí cho học sinh từ mầm non cho đến bậc THCS của UBND thành phố, và cho đây là vấn đề tất yếu phải thực hiện nhưng Hiệu trưởng một trường THCS vẫn không khỏi lo lắng cho các hoạt động của nhà trường trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nếu không có các khoản khác bù vào khoản thu học phí. Nhất thiết phải tính toán thật chính xác các khoản cấp bù này để làm sao đảm bảo chi đủ lương cho giáo viên và các khoản phụ cấp khác. Chắc chắn trong thời gian đầu thực hiện không thu học phí, mọi hoạt động của trường đều dựa vào ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn vì trước nay trường được tự chủ tài chính.

Vì sao nhiều trường vẫn băn khoăn về việc miễn học phí?
Sau bậc Tiểu học, UBND TP.HCM mong muốn được miễn học phí cho bậc THCS, Mầm non ngay từ đầu năm 2019.

Cùng nỗi băn khoăn này, Trưởng phòng GD&ĐT một quận trung tâm TP.HCM chia sẻ, hiện nay nhiều trường trên địa bàn thành phố đều đã thực hiện tự chủ tài chính nên các trường thường chủ động cân đối thu chi để phát triển theo kế hoạch giáo dục riêng. Vì vậy nếu miễn học phí cho bậc THCS thì thành phố phải có hướng dẫn cụ thể nếu không sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của nhà trường. Hiện các trường THCS trên địa bàn thành phố đã bắt đầu lo lắng nếu không được hướng dẫn thu chi và các chính sách cấp bù khi thực hiện miễn học phí kịp thời.

Còn giáo viên ở các trường lại mang nỗi lo khác khi bậc THCS chính thức miễn học phí, đó là các khoản phụ cấp cải thiện tiền lương cho giáo viên sẽ không còn như thời điểm trường hoạt động tự chủ tài chính. Thay vào đó, lương giáo viên sẽ tăng vào năm 2019 để bù vào khoản này. Tuy nhiên, để được tăng lương đòi hỏi phải đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí về phẩm chất nghề nghiệp như năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và nghiệp vụ sư phạm...

Được miễn học phí nhưng phụ huynh học sinh không phải không có những băn khoăn. Không còn tự chủ tài chính, chuyển sang sử dụng ngân sách nhà nước chắc chắn các hoạt động giáo dục ở trường sẽ phải chừng mực hơn trước. Trong khi đó, mong mỏi của phần lớn phụ huynh ở TP.HCM hiện nay là chất lượng giáo dục chứ không phải chỉ là được miễn học phí.

Nhiều phụ huynh còn bi quan hơn, miễn học phí nhưng lại tăng các khoản thu khác thì đâu cũng lại vào đó. Điển hình như bậc tiểu học được miễn học phí mỗi năm hơn 1 triệu đồng nhưng vào đầu năm học, phụ huynh cũng phải đóng số tiền gấp nhiều lần tiền học phí. Đó là chưa nói, việc miễn học phí, nhà trường không còn được tự chủ tài chính rất dễ phát sinh các khoản thu khác với nhiều lý do để nâng cao chất lượng giáo dục của trường.

Theo Thanh Hải (Nhà Báo & Công Luận)

Nổi bật