Tay cầm sổ hộ khẩu, mắt chăm chú dõi theo các cán bộ để chờ gọi tên làm thủ tục, Hoàng Ngọc Tân (23 tuổi, trú xã Đức Long, Đức Thọ) cho biết, dù sáng nay trời mưa nhưng vẫn dậy từ rất sớm để đi làm cho kịp giờ. Từng tốt nghiệp cao đẳng nghề, làm ở trong nước thu nhập thấp nên Tân sang Lào "thử vận may".
Trong hai ngày làm việc đầu năm mới, hàng nghìn người dân đã tới làm thủ tục xuất ngoại tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng |
Từng hơn một năm sang Thái Lan làm ăn, Hương (24 tuổi, trú xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà) kể rằng trước đó làm bưng bê tại nhà hàng, lương mỗi tháng trừ chi phí cũng tiết kiệm được khoảng 7 triệu đồng. Về quê ăn Tết được hơn một tuần, Hương quyết định sang lại nước bạn, bởi so sánh chung với mặt bằng thu nhập ở trong nước thì làm bên Thái Lan ổn hơn.
Hương kể cuộc sống ở xứ người vô cùng khó khăn, nhiều lúc cô đơn tủi thân. Sinh ra trong gia đình nghèo, bố mẹ làm ruộng, phía sau còn hai em nhỏ dại, học xong cấp 3, Hương đi làm thuê nhiều nghề, sau đó tìm cách xuất ngoại để hỗ trợ gia đình.
"Nếu so với lao động chân tay thì công việc em làm ở Thái Lan lương ổn hơn, nhưng cũng phải đánh đổi nhiều thứ như xa gia đình, bố mẹ, tương lai cũng mơ hồ, nhiều đêm nằm ngủ em chỉ biết khóc", Hương nói và cho hay sẽ đi làm nốt năm nay, sau đó về quê kiếm tấm chồng ổn định cuộc sống.
Người làm hộ chiếu đa phần là thanh niên khoảng 18-28 tuổi. Ảnh: Đức Hùng |
Mặc chiếc áo đã bạc màu, quần ống cao ống thấp chưa kịp thả xuống, ông Quyết (trú xã Sơn Kim I, huyện Hương Sơn) cho hay cùng con gái bắt xe buýt xuống TP Hà Tĩnh từ tờ mờ sáng để làm hộ chiếu. Con gái ông Quyết năm nay 19 tuổi, tốt nghiệp lớp 12 và đậu một số trường cao đẳng nhưng không đi học, vì sợ học xong cũng khó có việc làm.
Người cha với mái đầu đã bạc tâm sự rằng ý thức được việc con gái đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài có tiền và cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ở nhà làm ăn thì không ăn thua, tương lai rất mơ hồ. "Để lấy chồng cũng phải có tiền, không tiền thì chẳng ai lấy", ông Quyết nói với giọng buồn.
Ngoài việc bố mẹ đưa con đi làm hộ chiếu thì cũng có những cặp "tình nhân" dẫn nhau đi với ước vọng nguyện cùng gắn bó để đổi đời. Năm nay mới 22 tuổi nhưng trông Tuấn và Tâm (cùng trú huyện Cẩm Xuyên) già dặn. Cả hai yêu nhau đã được 3 năm, ý định sẽ đến với nhau, nhưng vì chưa có ai ổn định nên mong muốn về sống chung một nhà đang tạm thời bị gác lại.
Nhiều ông bố mái tóc pha sương dẫn con đi làm thủ tục xuất ngoại với mong ước con sớm ổn định kinh tế để kiếm một tấm chồng. Ảnh: Đức Hùng |
Đứng dõi theo con làm thủ tục xuất ngoại, nhiều ông bố, bà mẹ buồn nhiều hơn vui. Biết con đi làm ở nước ngoài sẽ có tiền, nhưng xa con thì không nỡ, tha hương cầu thực xứ người rủi ro cũng nhiều. Được thông báo đã làm xong mọi thủ tục, ôm vai xoa đầu con gái, ông Quyết động viên "cố lên con".
Trao đổi với chúng tôi, đại tá Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an Hà Tĩnh) cho biết, hai ngày làm việc đầu năm mới, lượng người làm thủ tục xuất ngoại đi sang các nước Đông Nam Á tăng đột biến.
"Riêng trong hôm qua chúng tôi xử lý hơn 1.000 hồ sơ, đơn vị phải bố trí 100% cán bộ, làm việc thông tầm để giúp đỡ tất cả những ai có nhu cầu", đại tá Thuận nói và cho hay quy trình xử lý mỗi hồ sơ khoảng 15 phút, sau 8 ngày sẽ nhận được hộ chiếu.
|
Clip: Lao động miền Trung đổ xô đi làm hộ chiếu |