Vì sao không dùng trực thăng chữa cháy?

09/11/2016 09:26:00

Sau vụ cháy quán karaoke khiến 13 người tử vong trên phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều người cho rằng cần sử dụng máy bay trực thăng chữa cháy nhằm giảm thiểu thiệt hại. 

Sau vụ cháy quán karaoke khiến 13 người tử vong trên phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều người cho rằng cần sử dụng máy bay trực thăng chữa cháy nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng, dùng trực thăng chữa cháy không dễ.
 
​Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ được trang bị trực thăng CNCH. Ảnh: Thanh Hà.

Tổng kiểm tra karaoke, xử nghiêm sai phạm

Trao đổi với PV, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định – Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Hà Nội xảy ra 11 vụ cháy và sự cố cháy liên quan đến các cơ sở kinh doanh karaoke. Đặc biệt, vụ cháy xảy ra ngày 1/11 tại quán karaoke 68 phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy đã khiến 13 người tử vong và thiệt hại nặng nề về tài sản.

Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và TP Hà Nội, Cảnh sát PCCC có công văn số 1206 tiếp tục tăng cường PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn. Ông Định yêu cầu các đơn vị tổng kiểm tra các cơ sở vui chơi giải trí, tập trung đông người, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ như quán karaoke, vũ trường, quán bar, nhà hàng… Qua kiểm tra, sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định PCCC. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động. Trường hợp cố tình vi phạm báo cáo các cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý quyết liệt.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cũng hướng dẫn người dân cách phòng chống cháy nổ như: Cần ngắt các thiết bị ra khỏi nguồn điện khi vắng nhà hoặc không sử dụng; Không để các thiết bị có nguy cơ cháy nổ gần các vật liệu dễ cháy nổ như sạc điện thoại, pin dự phòng…trên giường ngủ hoặc gần các vật liệu dễ bén lửa; Đối với các phòng vui chơi giải trí, đặc biệt có hút thuốc lá cần thiết kế vật liệu chống cháy. Thợ hàn xì khi thi công tuyệt đối không để xỉ hàn rơi vào vật liệu dễ bén lửa…

Theo Thiếu tướng Định, người dân cần nâng cao kỹ năng thoát khỏi đám cháy. Nhanh chóng báo cho cơ quan PCCC theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ thoát nạn, cứu nạn.

Dùng trực thăng không phải giải pháp tối ưu

Về dự án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) của TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thiếu tướng Định cho biết, sẽ thành lập bổ sung 10 phòng Cảnh sát PCCC ở các quận, huyện, thị xã; thành lập trung tâm chỉ huy điều hành bay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đường sông. Theo đó, tổng quân số dự kiến đến cuối năm 2030 của Cảnh sát PCCC Hà Nội là khoảng 6.500 người. Lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng sẽ được đầu tư, phát triển hệ thống phương tiện, trang bị hàng trăm xe chữa cháy, xe cứu hộ, cứu thương, xe chữa cháy hóa chất…

Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, Cảnh sát PCCC sẽ được trang bị máy bay trực thăng CNCH và máy bay chữa cháy. Tuy nhiên, Thiếu tướng Định cũng băn khoăn về việc sử dụng trực thăng trong PCCC và CNCH rằng, mua một chiếc trực thăng không khó, nhưng để đồng bộ hóa hạ tầng cho trực thăng hoạt động thì không hề đơn giản. “Để trực thăng hoạt động, phải đầu tư sân bay, có chỗ đậu tại các tòa nhà cao tầng, ngoài ra phải đào tạo đội ngũ phi công để vận hành, bảo trì, sửa chữa…Nếu được đầu tư trực thăng, hiệu quả nhất là phục vụ CNCH và chỉ tăng cường trong công tác PCCC”, Thiếu tướng Định nói.

Theo Minh Đức (Tiền Phong)