Theo quy định hiện nay, nếu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ, khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng 75% lương mỗi tháng.
Mức hưởng trên, theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) là cao so với quy định quốc tế. Thế nhưng, số tiền mà người lao động được hưởng lại dựa trên cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Theo bà Ngân, hiện nay, mức lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động thấp nên dù mức hưởng lên tới 75% thì lương hưu vẫn thấp.
“Thực tế, người lao động và doanh nghiệp đóng BHXH chỉ cao hơn tiền lương tối thiểu vùng từ 5-7% thì đương nhiên khi hết tuổi lao động, lương hưu sẽ thấp”, bà Ngân nói.
Đại diện Liên đoàn lao động TP.HCM cho hay, theo quy định, mức đóng BHXH của người lao động dựa trên lương và các khoản phụ cấp kèm theo thường xuyên.
Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp lại “lách” thông qua việc chia thành 2 phần và chỉ đóng mức bằng hoặc cao hơn lương tối thiểu, còn các khoản phụ cấp không được tính, nên người lao động đóng BHXH rất thấp.
Điều đáng nói, người lao động dù biết tiền đóng BHXH thấp nhưng vẫn “đồng thuận ngầm” để không phải đóng 10% phần chênh lệch vào quỹ BHXH từ tiền phụ cấp.
Nhưng bản chất tiền đóng BHXH là của người lao động. Khi doanh nghiệp “lách luật” người lao động không phải đóng thêm 10% nhưng lại mất đi khoản 22% doanh nghiệp đáng ra phải đóng thêm cho người lao động.
Mới đây, BHXH Việt Nam tiến hành thanh tra chuyên ngành đã phát hiện một số đơn vị kê khai khoản thu nhập bổ sung nằm ngoài mức lương tính đóng BHXH. Đây là khoản doanh nghiệp tự thỏa thuận với lao động khi tuyển dụng và không được ghi trong hợp đồng.
Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ rõ, trong doanh nghiệp luôn tồn tại 3 loại thu nhập của người lao động: Loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và loại trả cho người lao động.
Thu nhập làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất, chỉ bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động qua đào tạo nghề và thêm 5-7% với người làm nghề nặng nhọc, nguy hiểm.
Thống kê năm 2021, bình quân tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc gần 5,7 triệu đồng, tăng 13% so với mức 4,3 triệu vào năm 2016. Điều này chủ yếu do điều chỉnh lương tối thiểu. Tiền lương đóng BHXH thấp ảnh hưởng trực tiếp đến lương hưu của lao động khi về già.
Phải đóng lương hưu ít nhất bằng 70% lương thực lĩnh
Bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, để cải thiện tình trạng này, cần phải quản lý tiền lương minh bạch, mức lương đóng BHXH phải là tiền lương thực lĩnh của ngường lao động, có nghĩa là người lao động nhận bao nhiêu tiền thì đóng BHXH theo mức thực lĩnh. Có như vậy, tiền lương của người lao động khi về hưu mới cao lên.
Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, muốn lương hưu cao phải nâng nền đóng BHXH. Nhưng số người đóng được ở mức cao sẽ rất ít, bởi nguồn lực doanh nghiệp có hạn.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.
Phương án thứ nhất, giữ nguyên quy định hiện hành, gồm mức lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động.
Phương án thứ hai, đề xuất khoản tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cách này, tiền tính đóng là tổng các khoản ghi trong hợp đồng lao động và biến động trong quá trình làm việc của người lao động.
Mục đích là nâng mặt bằng lương đóng BHXH để khi về già, người lao động được hưởng mức lương hưu cao.
Theo Vũ Điệp (VietNamNet)