Vì sao hơn 93% người dân có BHYT vẫn phải chi tới 45% tiền túi cho dịch vụ y tế?

07/03/2024 18:09:33

Bộ Y tế đánh giá việc tham gia BHYT góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe. Thực tế, gần một nửa chi phí này được lấy trực tiếp từ tiền túi người dân.

Đến hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đạt 93,35%, với trên 93,3 triệu người tham gia. Việc tham gia BHYT đã góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe.

Dù vậy, trong báo cáo tổng kết Luật Bảo hiểm y tế gửi kèm Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này, Bộ Y tế cho biết hiện nay, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình tại nước ta chiếm khoảng 45% chi phí y tế.

"Vẫn tương đối cao", Bộ Y tế nhận định về con số này và cho biết Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ này xuống còn 35%. Theo cơ quan này, phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT ảnh hưởng đến mức chi trả tiền túi từ hộ gia đình.

Vì sao hơn 93% người dân có BHYT vẫn phải chi tới 45% tiền túi cho dịch vụ y tế?
Bệnh nhân ngoại trú chờ phát thuốc BHYT tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hải

Theo khuyến cáo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì đó mới là hệ thống y tế bền vững.

Điều 21 Luật BHYT quy định phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, bao gồm: khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng. 

Bộ Y tế chỉ ra những nguyên nhân khiến tỷ lệ chi tiền túi ở mức tương đối cao.

Thứ nhất, do tăng sử dụng dịch vụ y tế. Theo khảo sát, người có thẻ BHYT có mức sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại và nội trú cao hơn đối tượng khác. Số tiền cùng chi trả cũng như số tiền tự trả cho thuốc, vật tư tiêu hao hoặc các dịch vụ ngoài danh mục BHYT dẫn tới tăng mức trả tiền túi.

Thứ hai, việc giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ làm tăng chi phí trả tiền túi. Một số bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, không đủ thuốc cần thiết cho người bệnh sử dụng. Công tác đấu thầu thuốc và quản lý thuốc chưa đảm bảo, một số thuốc cần nhưng không được cung ứng nên bệnh nhân phải mua bên ngoài. 

"Đặc biệt quan trọng là chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, nên người bệnh bỏ qua tuyến xã, huyện vượt lên tuyến trên và tiếp tục chịu chi phí cao hơn", Bộ Y tế nêu nguyên nhân thứ ba.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trong lần trả lời chất vấn ĐBQH về vấn đề này tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, cho rằng các mô hình bệnh tật của chúng ta biến đổi rất nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Đặc biệt, nhận thức của người dân thường đến bệnh viện khi đã ốm, bệnh nặng nên dẫn đến chi phí cao.

"Theo báo cáo của Bệnh viện K, thường thì bệnh nhân mắc ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn muộn dẫn đến chi phí cao, hiệu quả chăm sóc y tế kém", Bộ trưởng lấy ví dụ. 

Trong khi đó, đánh giá tác động chính sách Luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế thực hiện cho thấy chi phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ BHYT năm 2023 là hơn 6.100 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, một số nơi có tình trạng chỉ định người bệnh có thẻ BHYT sử dụng các thiết bị xã hội hóa trong khi vẫn có máy đầu tư ngân sách, điều này làm cho người bệnh phải chi trả phần chênh lệch giữa hai mức giá.

Ngoài ra, một số cơ sở khám chữa bệnh có tình trạng chưa minh bạch về tài chính, sử dụng hai biểu mẫu thanh toán khác nhau cho cùng một người bệnh, biểu mẫu thanh toán với cơ quan BHXH ghi đúng những nội dung quỹ BHYT chỉ trả, trong khi thanh toán cho người bệnh thì liệt kê các khoản phải đóng thêm. Chính điều này gây khó khăn cho các cơ quan trong việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT.

Chưa kể một số chi phí đã tính vào kết cấu giá như quần áo mũ phẫu thuật, tiền công tiêm, công khám của bệnh nhân nội trú, nhưng một số cơ sở khám chữa bệnh vẫn tính và yêu cầu người bệnh phải chi trả.

Theo Võ Thu (VietNamNet)