Vì sao hàng loạt bệnh viện xin xuống hạng?

15/08/2016 08:32:00

Chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế đang bộc lộ một nghịch lý dẫn tới nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng ế ẩm.

Chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế đang bộc lộ một nghịch lý dẫn tới nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng ế ẩm.

Bệnh viện "ế"

Trong bảy tháng đầu năm 2016, theo thống kê của BV Da liễu Đồng Nai và BV Y dược cổ truyền Đồng Nai, số lượng người bệnh đến khám giảm từ 50%, thậm chí có thời điểm giảm đến 90%. Có ngày số nhân viên làm việc tại BV lấn át cả bệnh nhân. Đó cũng là hai trong số nhiều BV trong nước vừa xin xuống hạng (từ hạng 2 xuống hạng 3) để được thông tuyến KCB BHYT. Nguyên nhân được lãnh đạo các BV này xác định là từ khi chính sách thông tuyến được áp dụng, người bệnh có BHYT bắt buộc phải đến khám tại các BV tuyến huyện để đảm bảo quyền lợi. Đây là một sự lãng phí rất lớn bởi BV chất lượng hạng 2, cơ sở vật chất hiện đại nhưng lại không có bệnh nhân.

Ngoài ra, Thông tư 40 không chỉ gây khó khăn cho các BV vì thiếu bệnh nhân mà còn làm không hài lòng một bộ phận người bệnh khi họ muốn được khám chuyên khoa ở nơi chất lượng tốt hơn nhưng lại không được chuyển tuyến để hưởng BHYT. Thực tế trên khiến hàng loạt BV hạng 2, tuyến tỉnh nhiều nơi phải xin xuống hạng để thu hút người bệnh, bất chấp cả quá trình phấn đấu để lên hạng trước đó.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), phân tích: Theo Thông tư 40, người bệnh có lợi khi được khám ở BV tuyến huyện trên toàn quốc mà vẫn được BHYT chi trả đầy đủ, đúng quy định. Còn nếu muốn khám ở BV chuyên khoa (tuyến tỉnh) phải đi từ BV tuyến huyện lên, qua giấy chuyển tuyến mới được hưởng BHYT. Mục đích của Thông tư 40 là đưa người bệnh về các BV tuyến huyện nhằm giảm quá tải cho BV tuyến trên và thực tế như BV Da liễu Đồng Nai, thông tư này đạt hiệu quả tốt.

“Tuy nhiên, yêu cầu chung của ngành y tế hiện nay là mỗi cơ sở KCB đều là một cơ sở đa chuyên khoa, đòi hỏi các BV tuyến huyện không ngừng phát triển để đáp ứng. Do đó, phần lớn người bệnh đến BV tuyến huyện đã được đáp ứng nhu cầu KCB, không cần lên tuyến trên. Điều này dẫn đến BV hạng 2 tương đương tuyến tỉnh rơi vào tình trạng ế ẩm” - BS Khanh nói.

Nghịch lý trong vấn đề này là lúc đầu BV hạng càng cao được sử dụng càng nhiều kỹ thuật cao. Thế nhưng kỹ thuật cao thông thường sẽ không nuôi nổi BV mà số lượng người bệnh đông mới là yếu tố cốt lõi giúp BV xoay vòng và vận hành tốt. “Đây được xem như một lỗ hổng nếu Thông tư 40 không điều chỉnh kịp thời. Khi các BV tuyến huyện phát triển mạnh, chất lượng mỗi lúc một tốt hơn thì nguy cơ các BV hạng 2, BV đa khoa cấp tỉnh không được tiếp nhận BHYT ban đầu sẽ thiếu bệnh nhân. Thậm chí nhiều BV hạng cao có nguy cơ phải giải thể” - BS Khanh lưu ý.

BV quận Thủ Đức là BV tuyến huyện nhưng lại là BV hạng 1, thu hút khá đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh BHYT.

 

Phải cạnh tranh bằng chất lượng

Tùy vào đặc thù mỗi địa phương, chính sách thông tuyến BHYT khiến không chỉ BV lớn chao đảo xin xuống hạng mà có nơi BV hạng 3, 4 chất lượng đã thấp lại càng nghèo bệnh nhân hơn.

Điển hình, TP.HCM luôn là địa bàn có lượng người bệnh khám BHYT đông nhất cả nước. Trước khi áp dụng Thông tư 40, TP.HCM có 23 BV quận, huyện. Trong đó, một BV hạng 1 là BV quận Thủ Đức, tám BV hạng 2 bao gồm các BV quận 2, 4, 6, 8, Bình Tân, Tân Phú, Bình Thạnh và Bình Chánh không được xem là BV tuyến huyện mà tương đương BV tuyến tỉnh. Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM đã chủ động cho các BV này tiếp nhận đăng ký KCB BHYT ban đầu như BV tuyến huyện.

“Vì Thông tư 40 không quy định BV hạng bao nhiêu mà chỉ cần BV tương đương tuyến huyện, bệnh nhân sẽ được đăng ký BHYT. Nên từ đầu năm 2016, chín BV hạng 1 và hạng 2 cấp quận, huyện của TP.HCM đều tiếp nhận bệnh nhân đến khám BHYT” - bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính Kế toán Sở Y tế TP.HCM, cho biết. Cũng theo bà Liễu, tại các BV chuyên khoa trên địa bàn TP.HCM lượng bệnh nhân đến khám vẫn rất đông. Và vì đặc thù người bệnh đông, TP.HCM không có trường hợp người bệnh dịch chuyển mất cân bằng dẫn đến chuyện BV đề đơn xin được xuống hạng.

BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức TP.HCM, cho biết các BV tuyến huyện trên địa bàn TP.HCM dù là BV hạng 1, 2, hay 3 đều có mức cạnh tranh ngang bằng với nhau. Mục tiêu hướng đến là phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân. Khi người dân đến khám ở BV quận Thủ Đức đông thì những nơi khác sẽ giảm xuống. Nếu muốn đạt được chất lượng, bệnh nhân đến nhiều hơn, đòi hỏi các BV phải nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ thuật. Đồng thời phải luôn luôn cải tiến chất lượng BV để làm sao bệnh nhân hài lòng hơn.

Nguy cơ giải thể nhiều cơ sở y tế

Theo một chuyên gia y tế, trong trường hợp của TP.HCM, Thông tư 40 sẽ không ảnh hưởng đến BV hạng 1, 2 nhưng lại là mầm mống làm đóng cửa các cơ sở KCB nhỏ, BV tuyến huyện không đồng hạng. Khi BV hạng 1, 2 được xếp ngang với BV hạng 3, 4 về mức chi trả BHYT và thoải mái thông tuyến. Người bệnh sẽ bỏ các BV hạng 3, 4 như ở Củ Chi, quận 9, quận 8, quận 5... dịch chuyển đến BV hạng 1, 2 tuyến huyện lân cận để KCB. Và kết quả nhiều BV tuyến huyện vẫn thiếu người bệnh. Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tổng lượt KCB BHYT tại trạm y tế quận, huyện sau thời gian thông tuyến đã giảm hơn 46% so với tháng 12-2015, hàng chục BV tuyến huyện có mức giảm lượt KCB hơn 10% so với trước. “Nếu không đưa ra giải pháp sớm, chuyện đóng cửa hàng loạt cơ sở KCB sẽ không phải là nguy cơ mà sẽ sớm hiện thực hóa” - chuyên gia này cho biết.

________________________________

Sở Y tế TP.HCM sẽ không cho BV xuống hạng chỉ vì muốn thu hút người bệnh như những nơi khác. Việc thiếu, giảm người bệnh hiện nay ở một số nơi không thể giải quyết bằng việc xuống hay lên hạng. Riêng địa bàn TP.HCM, vấn đề BV tuyến huyện cùng hạng có số lượng KCB giảm sau Thông tư 40 đòi hỏi các BV này phải nỗ lực hơn nữa, nâng cao chất lượng, xem lại cách đối xử của BV với bệnh nhân. BV phải suy nghĩ làm sao để thu hút người bệnh đến với mình qua chất lượng KCB.

TS-BS Tăng Chí Thượng
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Theo Hà Phượng (Pháp Luật TP HCM)

Nổi bật