Trao đổi với chúng tôi sáng 19/4, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng người đứng đầu TP Hà Nội cần đối thoại với dân Đồng Tâm để giải quyết những bức xúc tích tụ từ nhân dân.
Trước đó, đại biểu Lê Thanh Vân đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình quan điểm về sự việc xảy ra ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Đại biểu Vân cho biết mấy ngày nay, diễn biến ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội trở nên căng thẳng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân trực tiếp từ chính sách đất đai chậm được sửa đổi. Bên cạnh đó, việc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Nội chưa được triển khai thường xuyên với người dân.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn. |
5 câu hỏi cần sớm trả lời
Theo đại biểu Vân, có nhiều câu hỏi trong sự việc này.
Tại sao một tập thể đông đảo cá nhân công dân ở quy mô cấp xã đã phản kháng quyết định của chính quyền, rồi bắt giữ hàng chục người thi hành công vụ?
Một dự án xây dựng sân bay quân sự được lập ra từ năm 1980 đến nay, vì mục đích quốc phòng - an ninh, được giao đi, giao lại nhiều lần, để lãng phí việc sử dụng đất nông nghiệp mấy chục năm qua. Tại sao?
Vì sao nhân dân Đồng Tâm không tin vào chính quyền cơ sở? Vì sao sự việc kéo dài, để đến nay xảy ra tình hình nghiêm trọng?
Tại sao người dân Đồng Tâm có yêu cầu chính đáng là được đối thoại với Chủ tịch UBND Hà Nội, nhưng đến nay chưa được đáp ứng?...
Nghị quyết Hội nghị BCHTW lần thứ tư, khoá XI và Quyết định 218 của Bộ Chính trị khoá XI đã đề cập đến việc xây dựng Quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân. Nhiều địa phương đã ban hành Quy chế, nhưng sao chưa thấy triển khai thường xuyên?
Đại biểu Vân cho rằng Chủ tịch UBND Hà Nội cần triển khai sớm việc đối thoại với nhân dân. Là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương, Chủ tịch UBND phải nắm chắc pháp luật và phải trực tiếp giải quyết ngay những vấn đề nóng thuộc thẩm quyền của mình.
Xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (khoanh đỏ) cách trung tâm Hà Nội khoảng 38 km. Ảnh: Google Maps - Thiên Sơn. |
Vì sao thành điểm nóng?
Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội năm 1980, Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm.
Đến năm 2015, Bộ Quốc Phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng (trong đó có 45 ha thuộc xã Đồng Tâm). Tuy nhiên, một số người dân ở thôn Hoành (xã Đồng Tâm) đã lấn chiếm đất để canh tác và xây dựng công trình trên diện tích này.
Phát hiện có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng, xây dựng công trình trên đất quốc phòng nên người dân xã Đồng Tâm đã có thư khiếu tố lên cấp trên.
Liên quan đến vụ việc, trong quá trình xem xét, giải quyết, huyện Mỹ Đức và TP Hà Nội đã khai trừ 8 đảng viên, cách chức, cảnh cáo, khiển trách 11 người. Ngoài ra, cơ quan công an khởi tố 3 người, bắt tạm giam 2 bị can.
Từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình tại xã Đồng Tâm diễn biến phức tạp liên quan đến việc số công dân khiếu kiện tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng.
Đặc biệt, từ tháng 2/2017 đến nay, khi tập đoàn Viettel tổ chức thi công, số công dân khiếu kiện tại địa phương tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh trật tự...
(Nguồn: Đài truyền hình Hà Nội) |
Trong các ngày đầu tháng 3, số công dân khiếu kiện đã tập trung ở UBND xã Đồng Tâm khi có các đoàn của huyện đến thực hiện nhiệm vụ, có hành vi gây mất trật tự phòng họp nơi đoàn công tác làm việc; sử dụng loa phóng thanh tự chế tuyên truyền trái phép; đóng cổng UBND xã không cho các phương tiện của đoàn công tác rời trụ sở…
Ngày 30/3, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng. Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố vụ án Chống người thi hành công vụ; Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.
Ngày 15/4, Công an đã bắt 4 người có hành vi vi phạm pháp luật để điều tra vụ gây rối trật tự công cộng. Khi cảnh sát bắt giữ những người trên, một số công dân xã Đồng Tâm đã bao vây ôtô của lực lượng chức năng, giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội tại nhà văn hóa thôn Hoành.
Trước tình hình trên, thành phố tổ chức 2 tổ công tác xuống địa bàn tuyên truyền nhưng người dân không hợp tác, ném cát, sỏi, đá vào các tổ công tác...
Theo Văn Chương (Tri Thức Trực Tuyến)