Thời gian qua, nhiều vụ án hình sự về tội phạm tham nhũng và chức vụ được đưa ra truy tố, xét xử. Trong đó, có những cán bộ bị xác định đã nhận tiền, quà của tổ chức cá nhân nhưng không bị xử lý hình sự về tội Nhận hối lộ. Cũng có trường hợp cán bộ đã nhận tiền, quà của tổ chức cá nhân nhưng chỉ bị xem xét xử lý kỷ luật.
Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường phân tích: Bản chất việc tặng quà, cho tiền là quan hệ dân sự. Chỉ trong những trường hợp nhất định thì hành vi này mới bị coi là vi phạm pháp luật, phải bị xử lý bằng chế tài kỷ luật, hành chính hoặc hình sự.
Trường hợp nhận tiền, nhận quà do có sự thỏa thuận về công việc phải làm, lợi ích được hưởng sẽ bị xử lý về tội Nhận hối lộ.
Trường hợp nhận quà mà làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo luật sư, nếu nhận quà mà không có sự thỏa thuận, không làm trái công vụ gây thiệt hại thì không bị xử lý hình sự, chỉ bị kỷ luật.
Bởi vậy, để buộc tội đối với các bị can về hành vi nhận hối lộ, Cơ quan điều tra (CQĐT) phải thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh tội phạm, chứng minh bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ.
Hành vi nhận hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua khâu trung gian. Mục đích của hành vi nhận hối lộ là để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
CQĐT sẽ làm rõ hành vi đưa hối lộ được thực hiện như thế nào, giữa ai với ai, số tiền và số lần đưa, nhận hối lộ, mục đích của việc đưa tiền để chứng minh tội phạm, làm căn cứ xử lý với các bị can theo quy định của pháp luật.
Nhóm tội phạm về tham nhũng
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay, trong nhóm tội phạm về tham nhũng có nhiều tội danh khác nhau như: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...
Trong đó, tội Nhận hối lộ thường kéo theo tội Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ. Đó là những hành vi có tính chất thỏa thuận giữa người có chức vụ quyền hạn và người khác để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ và chuyển giao lợi ích.
Theo quy định tại Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW của Ban chấp hành Trung ương, Điều 15 Quy định 37-QĐ/TW và quy định tại Khoản 2, Điều 22, Mục 3, Chương II Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trường hợp cán bộ, lãnh đạo nhận quà của cấp dưới hoặc của tổ chức cá nhân do mình quản lý thì tùy vào từng trường hợp có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể: Trường hợp các dịp lễ, tết, kỷ niệm cá nhân hoặc những lần gặp gỡ với cấp dưới, với tổ chức cá nhân thuộc mình quản lý mà được tặng quà thì cán bộ Đảng viên không được nhận. Nếu quà đó được người tặng quà chuyển giao mà không thể trả được ngay thì phải lập biên bản và báo cáo, giao nộp quà đó với tổ chức.
Trường hợp cán bộ, lãnh đạo, người có chức vụ, quyền hạn nhận quà trái quy định nhưng việc nhận quà đó không kèm theo thỏa thuận gì, người nhận quà cũng không thực hiện công việc gì trái pháp luật thì hành vi nhận quà này là trái quy định, người nhận quà trái quy định sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.
Trường hợp vì nhận quà hoặc vì động cơ cá nhân khác mà người có chức vụ làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 BLHS.
Trường hợp có sự thoả thuận giữa người tặng quà (cá nhân, tổ chức) và người nhận quà (người có chức vụ quyền hạn) về công việc phải làm, giá trị lợi ích sẽ chuyển giao thì đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Người thực hiện hành vi đưa hối lộ sẽ bị xử lý hình sự theo điều 364 BLHS. Người nhận hối lộ sẽ bị xử lý hình sự về tội Nhận hối lộ theo điều 354 BLHS.
Theo T.Nhung (VietNamNet)