Dù là sự cố hy hữu, song theo các kỹ sư, chuyên gia, cửa tầng thang máy có thể mở mà không có cabin trong một số tình huống như mạch giám sát an toàn bị "cắt xén", chốt cửa gãy...
Sự việc nam sinh Đại học Hàng hải Đào Yến Thanh ngã vào thang máy không có cabin ngày 14/12 khiến nhiều người lo lắng bởi đây là phương tiện phổ biến, đặc biệt ở các thành phố.
Trong khi đó, lãnh đạo nhà trường vẫn đang chờ kết luận từ công an về nguyên nhân dẫn tới sự cố.
Cắt xén bo mạch giám sát an toàn
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Huynh (Tổng công ty 789, Bộ Quốc phòng), thang máy được vận hành bởi một hệ thống mạch xử lý sẵn rất khoa học có độ an toàn rất cao. Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt, các nhà thầu có thể “cắt xén” một số mạch giám sát an toàn của hệ thống, gây nguy cơ dẫn đến các tai nạn.
Cụ thể, lỗi cơ bản nhất có thể gặp chủ yếu do "cắt xén" mạch giám sát an toàn ở cửa tầng và cabin (thùng thang máy) khiến cửa chưa đóng lại nhưng thang đã chạy; hoặc cửa tầng vẫn mở khi cabin chưa đến. Điều này khiến cho người sử dụng gặp các tình huống đặc biệt nguy hiểm tới tính mạng như kẹt giữa cửa, rơi xuống hố thang máy.
|
Cửa thang bật ra khiến nam sinh ngã vào trong, rơi tự do từ tầng 5. Ảnh: Tuổi trẻ.
|
Ông Huynh cũng không loại trừ việc nhân viên bảo trì đang làm việc mà quên đóng của tầng khiến nam sinh hụt chân rơi tự do xuống hố thang.Trong tình huống của nam sinh Đại học Hàng hải, theo phân tích của kỹ sư Huynh, nguyên nhân có thể là lỗi của bảng điều khiển thang máy, hoặc có tác động nào đó cực mạnh khiến cửa tầng mở.
Gãy chốt cửa tầng thang máy
Trong khi đó, ông Trần Vũ Phong – Chuyên gia tư vấn của công ty Thang máy Việt Long (ở phường Bình Hưng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM) cho biết, việc cửa tầng vẫn mở khi không có cabin thang máy là điều rất khó xảy ra.
Giữa cửa tầng và cửa cabin thang máy luôn có một cái chốt, khi cabin đến từng tầng, cửa cabin tự mở rồi chốt kéo cửa tầng mở ra.
|
Trường ĐH Hàng hải chặn thang máy gặp sự cố dẫn đến cái chết của nam sinh Đào Yến Thanh. Ảnh: Phương Chi. |
"Trường hợp cửa mở tầng mà không có cabin thì có thể bị gãy chốt. Lúc đó, cabin chưa xuống đến tầng đó, hoặc đã chạy qua nhưng cửa tầng vẫn mở", chuyên gia này nhận định.
Ngoài ra, cũng có trường hợp nhân viên bảo trì thang máy đang bảo trì, quên đóng cửa tầng rồi bỏ đi đâu đấy và khiến người dân hụt chân khi bước vào thang máy.
Theo ông Phong, sự cố thang máy nhìn chung do quá trình bảo trì đã bỏ qua một số lỗi kỹ thuật, không kịp thời sửa chữa. Trách nhiệm xảy ra các sự cố dạng này thuộc về đơn vị quản lý các tòa nhà và công ty bảo trì thang máy.
Chiều 14/12, nam sinh Đào Yến Thanh đứng đợi thang máy ở tầng 5 nhà C2 (ĐH Hàng hải). Trong lúc chờ, Thanh ngã vào cửa thang nhưng bên trong không có cabin. Nam sinh rơi tự do xuống hố thang, bị đa chấn thương và tử vong vào tối cùng ngày. Thang máy ở khu nhà này có thương hiệu nước ngoài, do Công ty Cổ phần công nghệ điện lạnh Vinashin, chi nhánh Hải Phòng lắp đặt và Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực 2 kiểm định vào giữa tháng 6/2015, thời hạn kiểm định là 1 năm. Đây là lần đầu tiên thang máy tòa nhà gặp sự cố.
|
Một số sự cố thang máy gần đây Tối 17/7/2015, tại khách sạn HAGL Plaza (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), trong khi vận chuyển khách xuống mặt đất, thang máy của khách sạn rơi tự do từ tầng 6 xuống khu hầm để xe. 10 nạn nhân phải nhập viện, trong đó 1 người gãy chân. Tối 25/9/2014, thang máy tòa nhà Lotte (Đào Tấn, Hà Nội) rơi tự do từ tầng 65 rồi bị kẹt ở tầng 33 khiến 7 người bị nhốt trong cabin, 2 người bị thương do cửa kẹp. Tối 19/9/2014, tại Giáo xứ Tân Lập (nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, quận 2 TP HCM), sự cố sập thang máy xảy ra làm 5 người phải nhập viện. Sáng 30/6/2014, tại nhà N5A khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội), ông Trần Anh Tuấn, nhân viên bảo vệ tòa nhà bước hụt vào thang máy không cabin,rơi thẳng xuống dưới, tử vong tại chỗ.
|
>> Thang máy khiến nam sinh tử vong mới hoạt động 5 tháng
>> Ngã vào thang máy không cabin, sinh viên rơi từ tầng 6
Theo Thắng Quang (Zing.vn)