Trao đổi với ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội về trường hợp cụ bà N.T.N. (SN 1943) ở huyện Thanh Oai nghi mắc Covid-19 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1, ông Tuấn cho hay, ngày 24/3 bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông, điều trị tại khoa nội tim mạch - lão học với các triệu chứng ho, sốt, đau ngực và chụp Xquang phổi có hình ảnh viêm phổi.
Bệnh nhân đã được chỉ định làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 và đến 1 giờ sáng ngày 25/3 có kết quả dương tính. Sau đó, mẫu bệnh phẩm đã được chuyển lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR và bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Kim Chung, Đông Anh để cách ly và điều trị.
Kết quả xét nghiệm khẳng định tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ngày 25/3, bệnh nhân N.T.N. âm tính với SARS-CoV-2 lần 1. Đồng thời, 23 mẫu tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Ông Khổng Minh Tuấn cho rằng việc kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông dương tính, nhưng khi xét nghiệm tại CDC Hà Nội thì âm tính là điều rất bình thường. Do Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chỉ là đơn vị khám sàng lọc không phải là đơn vị xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. Khi bệnh nhân nghi ngờ dương tính mẫu bệnh phẩm sẽ được chuyển tới CDC để xét nghiệm khẳng định.
Đối với trường hợp cụ N, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhưng do bệnh nhân ho, sốt, đau ngực và viêm phổi nên vẫn tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Thông tin về trường hợp cụ bà N đã xét nghiệm RT-PCR dương tính, nhưng xét nghiệm khẳng định thì lại âm tính bác sĩ Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đồng quan điểm với ông Khổng Minh Tuấn.
Bác sĩ Khanh giải thích thêm, xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR tại bệnh viện đa khoa và một số nơi khác có thể bị lỗi cho nên các xét nghiệm khẳng định Covid-19 sẽ được đưa về những nơi chuyên làm xét nghiệm.
Trong xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 cũng có thể xảy ra dương tính giả. Việc dương tính giả là điều bình thường vì tầm soát trên nguyên tắc "bao vây" sau đó sẽ xét nghiệm lại. Trước đó, tại Bạc Liêu cũng có trường hợp bệnh nhân xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại một bệnh viện tư nhân sau đó xét nghiệm khẳng định lại thì âm tính.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm: "Có rất nhiều tình huống có thể xảy ra dương tính giả ngay cả xét nghiệm bằng RT-PCR. Thứ nhất, cách đọc xét nghiệm bị lỗi; Thứ 2 bị nhiễm từ mẫu dương chứng. Trong nguyên tắc làm RT-PCR sẽ có một mẫu dương tính có sẵn để chứng minh mẫu làm xét nghiệm là dương đúng (dương tính). Do vậy mẫu làm xét nghiệm có thể bị nhiễm từ mẫu dương có sẵn nên, cho nên kết quả trả cho bệnh nhân bị dương tính giả.
Một kết quả xét nghiệm RT-PCR đúng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: kỹ thuật làm, cách đọc, cách làm. Cho nên việc một bệnh nhân nghi mắc Covid-19 xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh dương tính, sau đó xét nghiệm lại âm tính là việc hết sức bình thường".
Các chuyên gia lưu ý, người dân khi tới cơ sở khám chữa bệnh cần tuân thủ theo đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế" để giữ an toàn trước đại dịch COVID-19.
Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)