Tính đến 18h00 ngày 8/4, Việt Nam ghi nhận 251 ca nhiễm Covid-19, trong đó có trường hợp bệnh nhân 243 có dịch tễ hết sức phức tạp, khiến cho cơ quan chức năng cảm thấy bối rối, còn người dân thì vô cùng lo lắng.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, bệnh nhân số 243 đã có nhiều ngày sinh hoạt trong cộng đồng, đi đến rất nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người. 2 trong số những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này cũng đã được xác nhân dương tính với SAR-CoV-2, gồm chị dâu của bệnh nhân và hàng xóm nhà đối diện.
Tuy nhiên, chính điều đó lại đang khiến nhiều người không khỏi thắc mắc: Tại sao vợ của bệnh nhân 243 - người về lý thuyết có tiếp xúc gần nhất - lại không sao, trong khi chị dâu và hàng xóm lại mắc Covid-19?
Để giải đáp cho câu hỏi này, mới đây bác sĩ Trần Văn Phúc - hiện công tác tại BV Xanh Pôn - đã có bài viết trên trang cá nhân giúp làm mọi việc trở nên sáng tỏ. Theo anh, đây không phải là một chuyện gì khó hiểu trong y học. Mấu chốt của mọi chuyện nằm ở căn bệnh Lupus ban đỏ mà người vợ đã nhiễm trong vòng 12 năm qua.
"Nguyên do người vợ không lây, là bởi tiền sử của người phụ nữ này mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống đã 12 năm, mà bệnh này được bác sĩ kê đơn thuốc chloroquine hoặc hydroxychloroquine", bác sĩ Phúc viết.
Đây cũng là loại thuốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn để điều trị bệnh Covid-19, trước khi bị chính FDA bác bỏ.
BS. Trần Văn Phúc cho biết: "chloroquine hay hydroxychloroquine là thuốc trước đây dùng điều trị sốt rét, về sau được kê đơn cho các trường hợp bị HIV, bệnh khớp mãn tính, đặc biệt với bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống rất cần thuốc này.
Năm 2003, Savarino A thực hiện nghiên cứu trong ống nghiệm đánh giá tác dụng của chloroquine đối với SARS-CoV-1 gây ra dịch bệnh SARS. Tiếp theo đó, Keyaerts E cũng nghiên cứu tác dụng của chloroquine với SARS-CoV-1 vào năm 2004, rồi đến Vincent MJ năm 2005. Cả 3 nghiên cứu trong ống nghiệm được đánh giá rất cao, đều cho thấy chloroquine có tác dụng mạnh mẽ với chủng vi-rút cực độc gây bệnh SARS này; đây cơ sở để CDC Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng chloroquine điều trị SARS nếu căn bệnh giết người hàng loạt này quay trở lại.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra ở Trung Quốc, các chuyên gia đa ngành ở Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Bắc do Giáo sư Vương Mẫn Lệ dẫn đầu, đã quan sát tại khoa da liễu có 80 bệnh nhân bị Lupus ban đỏ hệ thống, nhưng thật kì lạ lúc đầu có sự trộn lẫn mà không bệnh nhân Lupus nào bị nhiễm SARS-CoV-2. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu quan sát 178 bệnh nhân bị bệnh viêm phổi do SARS-CoV-2, nhưng cũng không có bệnh nhân nào mắc Lupus ban đỏ.
Ngay lập tức Giáo sư Vương Mẫn Lệ cùng với các cộng sự bắt tay nghiên cứu trong ống nghiệm, kết quả chỉ ra rằng chloroquine có tác động ở cả 2 pha ngoài và trong tế bào Vero E6. Bên cạnh hoạt động chống vi-rút, chloroquine còn có tác động điều chỉnh miễn dịch, giúp tăng cường tác dụng chống vi-rút trong cơ thể. Giá trị EC 90 của chloroquine so với SARS-CoV-2 trong các tế bào Vero E6 là 6,90 μM, có thể đạt được lâm sàng như đã được chứng minh trong huyết tương của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp được dùng 500mg.
Nghiên cứu này đã được công bố, đăng ký bản quyền và được Ủy ban Đạo đức của Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán phê duyệt cho phép đăng ký trên nền tảng thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, Pháp cũng có nghiên cứu về sự kết hợp hydroxychloroquine với azithromycine, do nhóm của GS. Didier Raoult từ bệnh viện L'Institut Hospitalo-Universitaire (IHU) tiến hành.
Hiện chưa có báo cáo nào về bệnh nhân Lupus bị nhiễm SARS-CoV-2".
Tuy nhiên, BS. Trần Văn Phúc cũng cảnh báo, người dân cần phải cảnh giác với nguy cơ ngộ độc chloroquine nếu dùng không có chỉ dẫn của bác sĩ. Tại cả Việt Nam và trên thế giới, đã có không ít trường hợp ngộ độc chloroquine vì người dân thiếu hiểu biết mua thuốc về uống khi không có bệnh.
"Chloroquine/hydroxychloroquine là thuốc độ bảng B, có thể gây tai nạn chết người, nên khi kê đơn điều trị cho bệnh nhân nội trú, điều dưỡng phát thuốc thường yêu cầu bệnh nhân phải uống ngay trước mặt".
BS. Phúc cũng khuyên mọi người không nên tự ý mua thuốc về tích trữ để phòng Covid-19, tránh tiền mất tật mang, gây thêm bệnh về người. Ngoài ra, vị bác sĩ này cũng nhắc nhở mọi người nên ghi nhớ một vài lưu ý sau đây về chloroquine/hydroxychloroquine để tránh làm tổn hại đến sức khỏe của chính mình.
1. Thời gian bán hủy của thuốc rất dài
"Thời gian bán hủy của thuốc là khoảng thời gian mà nồng độ thuốc trong máu giảm đi một nửa. Ví dụ thuốc A có thời gian bán hủy 8 giờ, nghĩa là sau uống 8 tiếng nồng độ thuốc trong máu giảm đi 50%, sau 16 tiếng giảm đi 75%, sau 1 ngày giảm 87,5%.
Chloroquine có thời gian bán hủy từ 2,5 - 10 ngày!
Nghĩa là, thuốc uống đều đặn hàng ngày, khi vào cơ thể nó sẽ tích lũy dần, độc tính cũng vì thế tích lũy tăng liên tục. Một số người có cơ địa khó phân hủy thuốc, hay tình trạng bệnh tật như suy giảm chức năng gan gây kém chuyển hóa thuốc hoặc suy thận làm cho thuốc khó đào thải, khi đó thời gian bán hủy chloroquine có thể kéo dài đến hơn 40 ngày, như vậy sẽ cực kì nguy hiểm. Khi nồng độ thuốc trong máu lớn hơn 0,8μg/mL, hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc, kể cả những người khỏe như voi.
Để an toàn, bác sĩ phải dựa vào từng bệnh nhân cụ thể để quyết định có hay không dùng thuốc chloroquine, nếu dùng cũng phải tính liều cẩn thận chứ không chỉ dựa vào hướng dẫn sử dụng chung."
2. Thuốc cực độc với máu
"Do chloroquine cực kì có ái tính với tế bào máu, bằng chứng là nồng độ thuốc khá cao trong hồng cầu, bạch cầu hạt và tiểu cầu; có 55% thuốc gắn với protein trong huyết tương.
Khi điều trị chloroquine cho bệnh nhân, bác sĩ phải chú ý theo dõi các rối loạn tạo máu khác nhau; bao gồm thiếu máu bất sản, thiếu máu cấp tính, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, tan máu ở bệnh nhân thiếu hụt G6PD."
3. Thuốc rất độc với gan và thận
"Chloroquine tích lũy cực cao trong gan và thận, nồng độ đỉnh có thể gấp 700 lần so với nồng độ trong máu, vì thế mà bác sĩ phải chỉ định đúng, theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh nhân khi dùng thuốc, để tránh suy gan và suy thận."
4. Thuốc nguy hiểm với tim
"Ở tim, thuốc cũng tích lũy với hàm lượng lớn, bởi đây là cơ quan thực hiện chức năng bơm máu. Lâm sàng biểu hiện nhẹ nhất là nhịp chậm, sau đó là rối loạn nhịp, nguy kịch khi xoắn đỉnh, rung thất do chloroquine thì bác sĩ tài thánh cũng bó tay nhìn bệnh nhân chết. Bởi vậy mà khi điều trị, ngoài theo dõi cẩn thận các triệu chứng lâm sàng, bắt buộc phải làm điện tâm đồ định kì để phát hiện từ sớm khoảng QT kéo dài."
5. Tổn thương ở mắt
"Đầu tiên là tế bào võng mạc bị thuốc tấn công gây phù võng mạc, sau đó phù gai thị, teo điểm vàng; mắt quan trọng nhất 3 thứ này, nếu bị tổn thương sẽ biểu hiện nhiều mức độ từ nhẹ như rối loạn sắc giác, giảm thị lực, nhìn mờ, thay đổi thị trường; nặng nữa có thể mù lòa.
Sau dùng chloroquine, nếu bị quáng gà, thong manh, hay nhìn một người từ xấu trở nên đẹp lạ thường, nhìn người xinh đẹp thành xấu xí, thì đó chính là tác dụng phụ của thuốc."
6. Tương tác với thuốc khác
"Khi uống chloroquine với cimetidine, famotidine, ranitidine và các thuốc kháng axit khác sẽ làm tăng sự hấp thu thuốc rất nhiều! Đây là điểm cần chú ý khi điều trị cho bệnh nhân.
Kết hợp chloroquine với azithromycin hoặc moxifloxacin sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim!"
Ngoài ra, cần phải hết sức thận trọng khi dùng chloroquine với các loại thuốc tim mạch, thuốc kháng sinh, thuốc hệ thần kinh trung ương, thuốc tiêu hóa và một số loại thuốc khác. Do đó người dân không bao giờ nên tự ý mua dùng thuốc này vì có thể bị ngộ độc, tử vong.
Thùy Dương (Nguoiduatin.vn)