Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập

28/04/2017 07:33:00

Sau sự việc 14 căn nhà và 2 nền đất bị nhấn chìm xuống dòng Vàm Nao, hiện tại 108 hộ dân sống gần khu vực sạt lở cũng bị di tản, họ có nhà mà cũng như kẻ không nhà. Bây giờ chỉ dám đứng nhìn từ xa, rồi rơi nước mắt.

Sau sự việc 14 căn nhà và 2 nền đất bị nhấn chìm xuống dòng Vàm Nao, hiện tại 108 hộ dân sống gần khu vực sạt lở cũng bị di tản, họ có nhà mà cũng như kẻ không nhà. Bây giờ chỉ dám đứng nhìn từ xa, rồi rơi nước mắt.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu vực sạt lở ở Mỹ Hội Đông nhìn từ trên cao, nơi 14 căn nhà và 2 nền nhà bị nhấn chìm vào sáng ngày 22/4. (Ảnh: Fly Kim Quy)

Về vùng sạt lở nghe bà con kể lại khoảnh khắc trước khi nhà bị nhấn chìm trên sông

Xe đưa tôi đến xã Mỹ Hội Đông khi trời đã nhá nhem tối, khung cảnh đìu hiu khiến lòng người có chút lành lạnh. Tại khu vực sạt lở 14 căn nhà ven sông Vàm Nao, chính quyền địa phương đã cho di tản người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, toàn bộ khu vực được rào chắn kỹ càng, có dân quân bảo vệ 24/24, nếu không có phận sự thì không ai được phép vào bên trong.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 2.

Khu vực sạt lở được rào lại.

Ông Năm - chủ nhà trọ gần đó bảo, người dân bây giờ như chim mất tổ, hoang mang lắm, ban ngày tập trung ở Ủy ban để theo dõi thông tin, còn ban đêm thì tứ tán, mỗi người ngủ nhờ ở một nơi. Lay lắt.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 3.

Mọi người ở khắp nơi. Từ chùa đến trường học và cả nhà người thân nếu còn chỗ ở.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 4.

Ngủ tạm ở bất cứ nơi nào.

Vàm Nao luôn được nhắc đến là dòng sông kỳ bí bậc nhất xứ Nam Kỳ. Tuy chỉ dài trên 7km, là dòng sông ngắn nhất hệ thống sông ngòi Việt Nam, nhưng lại là cửa tử thần mà tàu bè thương lái đều khiếp sợ. Nối liền sông Tiền và sông Hậu, ngã ba Vàm Nao trở thành ngã ba tử thần với 2 luồng nước chảy mạnh tạo nên xoáy nước xiết, có thể nhấn chìm bất cứ tàu thuyền nào đi qua.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 5.

Những người sống gần sông có thể nghe được tiếng nước cuồn cuộn mùa nước lớn.

Từ ngoài chợ, đến Uỷ ban xã, nơi đâu người ta cũng bàn tán xôn xao về câu chuyện sạt lở. Anh Minh (xã Mỹ Hội Đông) ngồi kể say sưa: "Trước đó vài ngày là người ta phát hiện mấy vết nứt bằng chiếc đũa, vậy là lật đật chạy lên xã báo. Bữa sau công an xã, công an huyện xuống tiếp dân di dời đồ đạc ra ngoài. Dọn 2 ngày, đồ đạc cũng được chuyển ra ngoài gần hết. Tui nhớ không lầm thì khoảng 9h25 sáng ngày 22/4, lúc mọi người đang tranh thủ gom mấy thứ còn lại thì đột nhiên các căn nhà đổ sập xuống".

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 6.

Người dân tập trung trước Uỷ ban xã.

"Lúc đó hén, ông Tuấn đang ở trên mái nhà gỡ cái chảo ti vi, thấy nhà đổ xuống lật đật đu theo cọng dây cáp điện thoại nhảy xuống, rồi lồm cồm bò, chạy như ma đuổi. Ông thợ điện đang ở trong nhà gỡ đồng hồ điện, ngó ra thấy ông Tuấn vừa chạy vừa bò, thì ba chân bốn cẳng chạy theo, vừa thoát ra là cái nhà chìm xuống nước" - ông Nam vừa kể vừa múa tay diễn tả lại, nghe li kỳ như phim hành động Mỹ.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 7.

Mọi người bàn tán xôn xao về sự việc vừa qua.

Không đứng ngoài câu chuyện, anh Nhơn kể tiếp: "Bữa đó má tui đang tắm cho con chó sau nhà, thấy nhà đổ tui chạy ra kêu, hai má con chạy muốn hộc hơi. Cách đó không xa có cái đám ma, mới liệm chưa đậy nắm quan tài, nghe sập nhà cả đám lo khiêng quan tài chạy không kịp thở".

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 8.

Nhà mất thì Thổ công, Thần tài cũng chịu cảnh lay lắt.

Sập nhà, người ta chạy tán loạn, như ong vỡ tổ, trong mớ hỗn độn toàn người là người, chỉ nghe tiếng gọi nhau ý ới. Má đâu? Con út đâu? Thằng Tư đâu? Chú ơi tìm giùm cháu gái tui! Người té ngã, người bò lết, người bị dây điện quất vào mặt sưng vù... Mọi thứ khủng khiếp hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta đã thấy trong clip trên mạng xã hội. Hôm đó nếu không có các chiến sĩ hỗ trợ đưa người dân ra vùng nguy hiểm thì số người thiệt mạng đã không phải là con số 0.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 9.
 

Vùng có nguy cơ sạt lở bị phong tỏa, người dân sống trong cảnh chờ... nhà sập

Ngay sau khi 14 căn nhà bị nhấn chìm dưới lòng Vàm Nao. Diễn biến sự việc tiến triển vô cùng phức tạp, chính quyền địa phương đã nhanh chóng di tản 108 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở, đồng thời rào chắn không cho ai được vào bên trong, nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 10.

Trường học trở thành nơi ở tạm của người dân gặp nạn.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 11.

Đồ đạc để tạm ở khắp nơi.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 12.

Chùa Liên Hoa cũng cưu mang nhiều hộ dân.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 13.

Xóm làng bỗng chốc trở nên tiêu điều, hoang vắng.

Từ một khu dân cư rôm rả, bỗng chốc trở thành một xóm không người. Những căn nhà mé sông lầm lỳ nằm đó buồn tênh và lạc lõng. Người ta bảo chính quyền cũng ưu tiên cho một vài người được đứng ở hàng rào ngó vào trong, để đứng nhìn cái nhà của mình cho đỡ nhớ, thế thôi.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 14.

Những ánh nhìn ám ảnh. Những nỗi nhớ da diết về nơi ăn chốn ngủ cứ đè nặng lên tâm trí những con người khốn khổ nơi đây.

Hộ ông Tuấn, mới cất nhà lên, ngủ được 2 đêm, chưa kịp ăn tân gia thì đã phải di dời đi nơi khác. Gia đình bà Liếp làm thuê làm mướn, tích góp cả đời mới được một ít tiền dựng nhà nay cũng chỉ có thể lặng lẽ đứng nhìn từ xa. Thầy Giang vay tiền ngân hàng xây nhà, giờ còn chưa trả hết nợ... Họ, có nhà mà cũng như không. Sáng ăn cơm từ thiện của chùa, ở tạm trong trường học, tối mỗi người mỗi nơi đi tìm nhà người thân tá túc qua đêm. Cha một nơi, mẹ một nơi, con cái một nơi, mỗi người ngủ một chỗ. Thế nhưng tá túc một bữa, hai bữa, chứ làm sao có thể phiền tới dăm ba tháng.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 15.

Mọi người đều trông chờ vào cơm từ thiện. Những ngày này, ăn chỉ như một nghĩa vụ để sống còn, chứ chẳng còn cảm giác ngon miệng.

"Thà nhà sập xuống sông luôn, chứ còn nhà đó, mà không về được thì còn khó chịu gấp mấy lần. Bà nội tui năm nay đã 91 tuổi, bả sống ở đó gần cả cuộc đời, giờ phải đưa bả đi chỗ khác ở, bả cứ nhớ quài, bà nội đòi về nhà miết mà tui không cho, nhà tui nó nghiêng qua một bên, sắp sập rồi..." - anh Bảo tâm sự.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 16.

Con trai anh Bảo mới 5 tháng tuổi, cũng phải đi gửi nhờ nhà bà chị. Có nhà mà cũng phải bơ vơ ngoài đường thì tủi thân lắm - anh Bảo nói.

Hỏi nhớ không? Tiếc không? Thì quá là thừa. Nhà mà, cái chốn ta sinh ra, lớn lên và cũng là chốn ta quay về. Dòng Vàm Nao hung tợn, nhưng suốt bao nhiêu năm qua đã trở thành một phần cuộc sống của dân. Tính tới nay cũng gần một tuần ngủ tạm trong chùa, có bữa nửa đêm giật mình thức dậy, tự nhiên ngồi khóc ngon ơ, hỏi sao khóc. Bà Tư kêu nhớ, nhớ nhà, nhớ sông. Rồi bà khóc.

Nhà bây giờ bị rào lại rồi, muốn tới gần đụng một cái cũng không được, cứ chiều chiều, thầy Giang lại ngó ra hướng có ngôi nhà của mình rồi tự nhiên thấy mắt cay cay.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 17.

Thầy Giang ứa nước mắt khi nhìn về phía ngôi nhà.

Về vùng sạt lở An Giang: Xót xa cảnh người mất nhà, người khóc khi phải chờ... nhà sập - Ảnh 18.

Một đời sống bên sông, họ cười bảo giờ mình cũng như cánh lục bình, chẳng biết sẽ trôi dạt về đâu, cười đó mà tay thì lau nước mắt. Ừ, thì cười ra nước mắt.

 

Tính đến ngày 26/4, 16 hộ bị mất nhà đã được chính quyền địa phương cấp nền đất mới ở khu dân cư, và 40 triệu để ổn định cuộc sống. Thế nhưng tạm thời họ vẫn phải sống lay lắt ở chùa, trường học hoặc nhà người thân vì chưa có đủ tiền xây nhà mới. Còn lại 92 hộ thuộc diện có nguy cơ bị sạt lở thì có 53 hộ được trợ cấp 40 triệu, 49 hộ vẫn chưa nhận được trợ cấp. Đa số họ đều rất hoang mang vì không biết có được quay trở về nhà cũ hay phải mua đất ở khu tái định cư?

Theo Toàn Nguyên (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật