* Người phụ nữ để con trai lại nhà người em và nhờ trông nom mấy hôm. Thế nhưng bà đã không về đúng hẹn, và em dâu đã đưa đứa trẻ cho người hàng xóm thân thiết nhờ chăm hộ.
* Người hàng xóm không đưa đứa trẻ về quê như lời giao hẹn mà ra sân bay để tới Mỹ
* Gần 50 năm sau, người phụ nữ ấy đã tìm lại đứa con thất lạc năm xưa
Một cái nắm tay thay đổi số phận
Bà Trang (75 tuổi) vẫn nhớ như in cái ngày người ta trao con trai Lâm Hoàng Dũng (tên khi còn ở Việt Nam) vào tay mình, gần nửa thế kỷ trước. Thời điểm đó, bà là hàng xóm và cũng là bạn thân của bà Lâm Lệ Lệ, má Hai (bác ruột của anh Dũng), sống tại cư xá trên đường Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn.
Nhiều lần đi ngang qua nhà, bà thấy cậu bé lai có nước da đậm màu, tóc xoăn tít rất dễ thương, nên hay vẫy tay chào. Bà Trang chỉ nghe loáng thoáng mẹ của bé trai tên Yến, là em gái của bà Lệ Lệ.
Cuối tháng 4/1975, bà Lệ Lệ cùng chồng con ra nước ngoài. Bà Lâm Yến (mẹ ruột của anh Dũng) ra Vũng Tàu tiễn chân chị gái. Bà để con trai nhỏ ở nhà, nhờ vợ chồng người em trai trông giúp, với lời hẹn xong việc sẽ trở về đón.
Em dâu của bà Yến khi đó phải chăm sóc 4 người con, thêm anh Dũng nữa là 5 đứa trẻ. Cảm thấy bất an, vì đợi mấy ngày vẫn chưa thấy chị về, không biết sống chết thế nào, người này gọi bà Trang, nhờ “đem thằng Dũng đi, vì một mình trông không nổi”.
Khi trao đứa trẻ lai mới 3 tuổi rưỡi cho bà Trang, người này đưa cả giấy khai sinh cùng một bịch đồ cá nhân, gửi gắm bà nhờ bà Trang yêu thương, chăm sóc cháu mình.
“Khi tôi qua đón thì thằng bé đã đứng trước cửa đợi sẵn rồi, thấy tội nghiệp lắm. Người nhà đưa cho tôi cả giấy khai sinh của Dũng. Tôi nói với mợ của Dũng sẽ đem cháu về quê sống cho bình yên”, bà thuật lại.
Nắm tay cậu con nuôi đi giữa đường phố, bà Trang không về quê mà đi thẳng ra phi trường. Hai người được “bốc” lên một chuyến máy bay để sang Mỹ và họ đã trở thành mẹ con như thế.
Bà Trang cho biết, suốt gần nửa thế kỷ có duyên được làm mẹ của anh Dũng, bà rất tự hào và yêu thương anh. Trải qua nhiều nỗi vất vả nơi xứ người, là động lực và niềm an ủi của nhau, cả hai mẹ con đều có cuộc sống hạnh phúc.
Anh Dũng được mẹ cho ăn học thành tài, hiện làm quản lý trong ngân hàng. Anh cũng có hôn nhân hạnh phúc, với con gái 24 tuổi là y tá và con trai 21 tuổi đang đi học.
Bà Trang cũng có chồng và có hai con gái nữa. Các con trưởng thành sống xa bố mẹ, nhưng gia đình vẫn gắn kết, thường thăm hỏi, trò chuyện với nhau.
Có một điều duy nhất vẫn vấn vương mãi trong lòng bà Trang, ấy là không biết mẹ ruột của anh Dũng sống chết ra sao, phản ứng thế nào với sự chia tách đột ngột năm ấy.
Về đón muộn 5 ngày, xa cách con gần 50 năm
Về phía mẹ ruột của anh Dũng, bà Lâm Yến, nỗi đau thất lạc con được bà chôn giấu trong câm lặng 48 năm. Bà nhớ lại, hồi ấy, bà ra Vũng Tàu tiễn gia đình chị gái Lệ Lệ ra nước ngoài. Bà Lệ Lệ níu tay, bảo em gái đi cùng, nhưng bà Yến một mực không chịu.
Bà Yến không đi theo chị, vì không muốn bỏ các con bơ vơ. Thời điểm đó, bà Yến có hai người con gửi ở quê, và anh Lâm Hoàng Dũng ở Sài Gòn. Khi gửi anh Dũng cho gia đình em trai, bà hứa sẽ về vào 30/4. Bà Yến không về đúng hẹn. Mất 5 ngày 5 đêm đi bộ ròng rã từ Vũng Tàu mới về đến nhà, bà suýt ngất khi em dâu báo tin: “Dũng được cô Trang dắt đi rồi”.
“Tôi khổ tâm vô cùng. Ngày tôi mang thai Dũng, ba nó đã bỏ đi đâu không một lời từ giã. Rồi tôi như chết thêm lần nữa khi bị mất con.
Nhiều lần tôi ra bến xe Bạc Liêu đứng cả ngày ở đó rồi lại đi về, chỉ biết khóc thôi. Tôi không biết cô Trang là ai, không biết quê người ta ở đâu, bao nhiêu tuổi. Tôi cứ ra bến xe hỏi có ai thấy cô Trang dắt theo một đứa trẻ lai không, mà không ai biết để trả lời.
Điều đau khổ nhất với tôi suốt nhiều năm đó là tôi sợ Dũng con tôi lớn lên mà hiểu lầm mình, sợ con nghĩ tôi là một người mẹ không có lương tâm. Tôi không có như vậy, tôi không có bỏ con, chỉ là đi về đón con trễ mà thôi”, nhớ lại quá khứ, người đàn bà 79 tuổi òa khóc.
Sau này, bà Lâm Yến tái hôn, có thêm hai người con nữa với chồng sau. Chuyện bị mất đi “núm ruột” ở giữa là anh Dũng, bà ôm nỗi đau ấy, sự dằn vặt ấy một mình suốt 48 năm.
Năm ngoái (2023), một câu hỏi bâng quơ của chị Thảo, con gái thứ ba của bà Yến, đã khiến chiếc hộp ký ức bí mật ấy được mở ra. Trong một bữa đón mẹ về chơi nhà, chỉ Thảo ngồi xem YouTube còn bà Yến ngồi xâu hạt.
“Tôi mê kênh “Tuấn Vỹ - kết nối yêu thương” lắm, coi không sót số nào. Không hiểu sao mỗi khi xem chương trình này, trong lòng tôi luôn thấy rất xốn xang. Bữa đó tôi cũng ngồi coi, để ý thấy má có vẻ trầm tư, buồn buồn.
Tôi chỉ hỏi giỡn chơi: Hồi mấy năm ở Sài Gòn, má có người con nào khác mà tụi con chưa biết không, có thất lạc đâu không, nói đi để con đi kiếm. Ai ngờ, má ôm tôi mà khóc quá chừng, nói là có. Bà định ôm chuyện đau khổ ấy một mình cho đến khi qua đời”, chị Thảo kể lại.
Chị Thảo hỏi mẹ đầu đuôi sự tình, rồi nhờ kênh “Tuấn Vỹ - kết nối yêu thương” hỗ trợ, hy vọng có thể tìm thấy anh Dũng cho mẹ.
Cuộc gặp muộn màng giải tỏa hồ nghi nửa thế kỷ
Bằng một cơ duyên kỳ lạ được se bởi cư dân mạng, hai người mẹ chưa từng chạm mặt nhau của anh Lâm Hoàng Dũng đã được hội ngộ. Sau 1 năm video thay mặt mẹ tìm anh trai lai của chị Thảo lên sóng, bất ngờ, bà Trang, mẹ nuôi của anh Dũng cũng chủ động liên hệ để tìm mẹ ruột cho con.
“Hồi con trai 17 tuổi, tôi nói với con rằng mẹ không phải mẹ ruột. Dũng bảo con biết rồi, vì thấy tên mẹ trong giấy khai sinh không khớp với giấy tờ khác. Tôi cũng nói cho con rành rọt từng chuyện, để con hiểu bối cảnh khi đó.
Tôi thúc giục con đi tìm mẹ ruột, nhưng Dũng rất ngần ngại, nói không biết sẽ tìm mẹ ở đâu. Tôi đề nghị con gửi mẫu ADN để đi tìm ba, Dũng cũng không làm.
Tới giờ, khi tôi đã hơn 70 tuổi, nỗi băn khoăn ấy càng trỗi dậy, tôi chỉ sợ mình mất đi mà con không biết nguồn cội, không tìm được mẹ ruột của con”, bà bộc bạch.
Khán giả của kênh “Tuấn Vỹ - kết nối yêu thương” đã nhận ra sự trùng khớp thông tin giữa hai chia sẻ cách nhau 1 năm. Hai người mẹ đã được kết nối và trò chuyện đối chứng.
Những thông tin được bà Lâm Yến đưa ra hoàn toàn trùng khớp với thông tin phía bà Trang ẩn đi, từ nơi ở cũ, tên tuổi anh chị em trong nhà, các chi tiết liên quan đến tuổi thơ của anh Dũng.
Bà Yến bảo, thời điểm nhìn tấm ảnh anh Dũng năm 4 tuổi chụp cùng mẹ Trang được con gái gửi cho, bà đã khóc nức nở, nhận ra người con thất lạc của mình.
Nhìn người con cao lớn đã ngoài tuổi 50 “y sì cha nó không khác điểm gì”, bà Yến xúc động: “Đã lâu lắm rồi má không được gặp con, tưởng là hết đời này không bao giờ có cơ hội nữa. Giờ má mãn nguyện rồi, có nhắm mắt cũng vui. Công người nuôi nặng hơn công người đẻ, má cảm ơn má Trang, nhờ má Trang yêu thương, chăm sóc để con có ngày hôm nay, còn đi tìm để chúng ta có thể gặp lại nhau”.
Bên kia màn mình, bà Trang cũng lã chã nước mắt. Bà giải thích, mình không bao giờ có ý định bắt cóc anh Dũng để lợi dụng, cũng không hề muốn cướp con của người khác, chỉ là những “xô đẩy” của cuộc đời khiến hai người phụ nữ có cùng một cậu con trai.
Về phần mình, anh Dũng không biết gì nhiều về quá khứ, nên không biết hỏi gì mẹ ruột. Anh chỉ muốn có thể xét nghiệm ADN để chắc chắn mọi việc.
Được mẹ nuôi dưỡng trên tinh thần không làm tổn thương người khác, anh liên tục hỏi bà Yến: “Sự xuất hiện của con có ảnh hưởng đến gia đình không?”, “Con có mấy anh chị em, họ có ý kiến gì về sự tồn tại của con không, có thoải mái nếu mẹ nhận con không?”...
Anh cũng cho biết, dù chưa từng nói ra trước kia, anh luôn trăn trở về việc mẹ ruột có từng yêu thương mình, có tìm kiếm mình sau khi bị thất lạc không, liệu anh có phải là đứa con bị chối bỏ, hay những lời mẹ Trang nói năm xưa là sự thật…
Chứng kiến những giọt nước mắt và lời kể chân thành từ bà Lâm Yến, dù bất đồng ngôn ngữ, có lẽ anh cũng hiểu được nỗi đau của mẹ và có câu trả lời cho riêng mình.
Theo Thiên Yết (Nguoiduatin.vn)