Có mặt ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) những ngày này, đâu đâu người ta cũng thấy những tấm bảng to đề chữ "Khu vực cách ly" màu đỏ. Hiện bệnh viện này đang điều trị cho 4 bệnh nhân dương tính với virus corona chủng mới (nCoV) và cách ly nhiều người nghi nhiễm nCoV.
Toàn bệnh viện có hơn 60 bác sĩ, y tá, điều dưỡng tại 3 khoa cùng tham gia vào công tác khám, sàng lọc, cách ly và điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm và mắc nCoV. Từ khi công bố dịch, 60 nhân viên y tế này đều ăn ngủ tại bệnh viện, hạn chế tiếp xúc với người khác. Bệnh viện chỉ cố gắng thu xếp một khu nhà ở tạm cho các y bác sĩ nên điều kiện sinh hoạt cũng tối giản hết sức. Hàng ngày cơm ăn đều đặt từ một Công ty cung cấp mang vào phát cho bệnh nhân và nhân viên y tế.
Từ khi nCoV xâm nhiễm vào Việt Nam, các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương như những người lính bước vào trận chiến mới. Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương là cơ sở y tế thường xuyên chống dịch. Năm 2003, các y bác sĩ phải đối mặt với dịch SARS, sau đó thì là một loạt các dịch như cúm A/H5N1, cúm H1N1… rồi hàng năm luôn luôn có dịch sốt xuất huyết, mấy năm lại có một vụ dịch cúm, dịch sởi, dịch tiêu chảy cấp, dịch tả…
Những ngày qua hơn 60 nhân viên y tế là các y bác sĩ, điều dưỡng ở các khoa phòng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được phân công nhiệm vụ túc trực ở khu vực điều trị cũng như theo dõi, cách ly bệnh nhân nhiễm nCoV. Nếu như bệnh nhân hết thời điểm cách ly 14 ngày sẽ được về nhà hoặc bệnh nhân điều trị khỏi bệnh sẽ được xuất viện nhưng những nhân viên này sẽ buộc phải cách ly thêm 14 ngày sau khi dịch kết thúc. Sau thời gian đó họ mới được trở về nhà với gia đình.
Hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận nơi "tuyến đầu" chống dịch nCoV:
Theo Huy Thanh (Nld.com.vn)