Vẫn chưa tìm thấy hai nạn nhân vụ sập lò than

21/11/2015 09:12:35

Đến 19g ngày 20-11, lực lượng cứu hộ đã huy động hơn 500 chiến sĩ gồm bộ đội, công an, dân quân...

Đến 19g ngày 20-11, lực lượng cứu hộ đã huy động hơn 500 chiến sĩ gồm bộ đội, công an, dân quân...
Trưa 18-11, tốp bảy người trong lúc làm việc thì hầm bất ngờ bị đổ sập, bốn người may mắn chạy thoát ra ngoài, ba người bị mắc kẹt bên trong và lực lượng chức năng đã đưa được thi thể anh Bùi Văn Thôn (36 tuổi, ở xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn) ra ngoài.
 

Đồ họa: Tấn Đạt

Tại hiện trường, lực lượng cứu hộ vẫn thay phiên nhau vào hầm đào bới tìm kiếm nạn nhân bị mất tích. Những thợ mỏ chuyên nghiệp thuộc Tập đoàn Than - khoáng sản VN đã được huy động đến hiện trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Minh Khải - trưởng phòng cứu hộ cứu nạn (Quân khu 3) - cho biết nơi công nhân làm việc cách cửa hầm khoảng 700m, tuy cửa vào chiều cao chỉ khoảng 2m và rộng 1,5m nhưng càng vào sâu đường hầm càng nhỏ, ngoằn ngoèo nên rất khó để huy động đông lực lượng cứu hộ vào hầm.

“Mặc dù phải làm thâu đêm cứu hộ, nhưng hầm thăm dò thủ công nên khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng rất khó khăn để tiếp cận hiện trường bởi đất đá bên trong thường xuyên rơi xuống chắn ngang cửa hầm. Mỗi lần chỉ có khoảng 10 cán bộ vào hầm và chỉ làm thủ công mà không thể sử dụng các phương tiện máy móc hiện đại khác”.

Nói về giấy phép hầm lò nơi xảy ra vụ sập, đại tá Trần Văn Hoàn - phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình - cho biết thời điểm xảy ra sập, những công nhân làm việc tại đây đang trong quá trình thăm dò.

Đơn vị quản lý hầm nơi xảy ra vụ sập vào năm 2014 bị tạm dừng hoạt động nhưng mới được cấp phép trở lại từ tháng 5-2015.

“Thời điểm xảy ra vụ sập có khoảng 30 công nhân chia làm bốn ca làm việc. Hiện đã tiếp cận đường hầm cách vị trí làm việc của hai công nhân rất gần, tuy nhiên có một khối đá lớn chắn ngang. Có hai phương án: một là phá đá, hai là sẽ đào đường vòng để tiếp cận vị trí quan trọng” - đại tá Trần Văn Hoàn cho hay.

Chiều cùng ngày, hàng trăm người dân ở các xã Gia Nhân, Lỗ Sơn, Gia Mô (thuộc huyện Tân Lạc) đã kéo về hiện trường vụ sập để theo dõi cơ quan chức năng tìm kiếm nạn nhân. Nhiều người thân của hai người đang mất tích vẫn đang ngóng chờ tin tức từ người nhà.

“Trước đây tôi đã từng làm việc ở hầm này. Công việc trong hầm cực lắm nhưng lương cũng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Thời gian đầu bí tiền quá nên tôi làm, nhưng sau đó gia đình khuyên ngăn giữ ở nhà. Phía trong của đường hầm chỉ dùng cây để chống tạm thời và nguy cơ sập luôn rình rập” - anh Bùi Văn Biển (33 tuổi, người nhà nạn 
nhân) tâm sự.
 
>> Sớm nhất chiều nay mới tiếp cận 2 nạn nhân vụ sập hầm than
>> Hé lộ nguyên nhân sập hầm than, 2 công nhân mắc kẹt ở Hoà Bình
>> Xuyên hầm 800 m để cứu 2 công nhân mỏ mắc kẹt
>> Hàng trăm người trắng đêm hút cát giải cứu nạn nhân kẹt trong hầm sâu hơn 600 m
>> Hòa Bình: 1 người tử vong, đang tìm 2 người trong mỏ than sập
 
Theo Quang Thế (Tuổi Trẻ)