Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, bệnh nhân nhập viện với biểu hiện rất nguy kịch, nôn và đau bụng dữ dộị kèm theo khó thở, da tái lạnh, huyết áp tụt 60/40 mmHg, siêu âm chức năng tim giảm nhiều.
Ngay khi vào viện, bệnh nhân được bù dịch, sử dụng 2 loại thuốc co mạch liều cao để nâng huyết áp nhưng đáp ứng rất kém. Người nhà bệnh nhân cho biết cháu không có tiền sử mắc bệnh gì, hai ngày nay có sốt, đau đầu nên được gia đình cho uống thuốc cảm cúm.
Qua thăm khám tỉ mỉ và sử dụng các kỹ thuật cận lâm sàng, các bác sĩ đã loại bỏ nguyên nhân gây trụy tim mạch do bệnh lý mà nghĩ nhiều đến do ngộ độc thuốc. Bằng các biện pháp chuyên môn kết hợp động viên tâm lý người bệnh, bệnh nhân đã khai báo với bác sĩ rằng trước khi vào viện một ngày có uống 100 viên thuốc hạ huyết áp Amlodipin 5mg (một loại thuốc điều trị tăng huyết áp) với ý định tự tử.
Ngay lập tức các bác sĩ kíp trực khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc đã xử trí theo phác đồ ngộ độc thuốc chẹn kênh canxi. Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng huyết áp của bệnh nhân được cải thiện, chức năng tim tăng dần, giảm được thuốc co mạch.
Tuy nhiên tác dụng giãn mạch của thuốc chẹn kênh canxi đã gây nên tình trạng tràn dịch đa màng (rất nhiều dịch màng phổi và màng bụng), kèm theo suy tim cấp làm tình trạng suy hấp hấp nặng hơn. Vì vậy, bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập và được c.học dẫn lưu dịch màng phổi.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Thái, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1- Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, Amlodipin là thuốc được kê đơn khá thường xuyên trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Tuy nhiên khi sử dụng quá liều sẽ có tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực, chuột rút… Trường hợp bệnh nhân này cùng thời điểm sử dụng một lượng lớn thuốc Amlodipin (tổng liều lượng 500mg) gây suy tuần hoàn nặng và nguy cơ tử vong cao. Đây là ca bệnh khó vì cháu còn ít tuổi, không có liên quan đến sử dụng thuốc huyết áp, đặc biệt triệu chứng sốt, đau đầu và dùng thuốc cảm cúm tại nhà trước đó đã đánh lừa thầy thuốc theo một hướng chẩn đoán khác. Tuy nhiên với kỹ năng và kinh nghiệm, các bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời để giúp cháu phục hồi sức khỏe hoàn toàn trong thời gian ngắn.
Theo bác sĩ Thái, đơn vị từng cứu sống nhiều trường hợp vị thành niên tự tử bằng thuốc. Bên cạnh đó, một số trường hợp bệnh nhân không qua khỏi hoặc để lại di chứng nặng nề, trở thành gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.
"Các em tuổi mới lớn tâm lý chưa ổn định dễ bị mất kiểm soát hành vi khi gặp áp lực học đường, bạn bè, gia đình và áp lực cuộc sống xã hội. Vì thế, bố mẹ, gia đình, thầy cô giáo, người thân cần quan tâm, gần gũi và dành nhiều thời gian cho con em mình, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giúp các con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi mới lớn" bác sĩ Đỗ Minh Thái nói.
Theo Nam An (Phụ Nữ Mới)