Ngay từ sáng 1/9 (ngày đầu kỳ nghỉ lễ 2/9), tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây, theo hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai liên tục xảy ra ùn ứ giao thông khiến hàng nghìn xe phải di chuyển rất khó khăn.
Ùn ứ nghiêm trọng nhất là đoạn gần tới khu vực trạm thu phí Long Phước, Dầu Giây, ô tô phải xếp hàng dài di chuyển rất khó khăn.
Để giảm áp lực cho tuyến cao tốc, các nhánh kết nối cao tốc ở điểm đầu tuyến thuộc địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM) như Vành Đai 3, An Phú... lực lượng CSGT trực điều tiết, phân luồng hạn chế ô tô chạy vào. Do tuyến cao tốc bị ùn ứ nên rất nhiều phương tiện di chuyển vào làn khẩn cấp đã bị lực lượng CSGT chốt chặn lập biên bản xử phạt hành chính.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Viết Tân - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, tình hình trên tuyến cao tốc theo hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai xảy ra ùn ứ kéo dài nhiều km. Nguyên nhân kẹt xe là do lượng phương tiện lưu thông vào cao tốc tăng cao, đơn vị chưa ghi nhận các sự cố tai nạn nào.
“Căn cứ vào tình hình giao thông trên tuyến cao tốc thì phía Cục CSGT C08 đã phối hợp với CSGT TP.HCM tiến hành đóng mở tuyến cao tốc liên tục để điều tiết xe giúp giảm tải áp lực giao thông trên tuyến cao tốc”- ông Tân nói.
Ông cũng cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án xả trạm. Nếu nhận thấy giao thông qua trạm ùn tắc thì ngay lập tức đề nghị phía cơ quan chức năng lập biên bản để có cơ sở xả trạm...
Trước đó, Sở GTVT giao Văn phòng Ban An toàn giao thông tham mưu tăng cường tuyên truyền các loại xe không lưu thông vào làn khẩn cấp của các tuyến đường cao tốc như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (trừ xe ưu tiên theo quy định). Việc này nhằm đảm bảo an toàn và thuận lợi cho lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, xử lý nhanh chóng các tình huống sự cố, tai nạn, ùn tắc giao thông trên cao tốc.
Riêng với cáo tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Sở GTVT TP.HCM đề nghị trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài tại khu vực trạm thu phí thì Cục Cảnh sát giao thông lập biên bản để Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam làm cơ sở thực hiện “xả trạm”, điều tiết giao thông.
Theo thống kê, từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây liên tục tăng, trung bình khoảng 10%/năm. Hiện, phạm vi từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến nút giao Long Thành đã khai thác vượt so với năng lực thông hành của tuyến nên thường xuyên ùn tắc, nhất là vào các dịp lễ, Tết.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương-Dầu Giây đoạn từ TP.HCM-Long Thành được quy hoạch với quy mô 10 làn xe, tiến trình đầu tư giai đoạn trước năm 2030.
Theo Tuấn Kiệt (VietNamNet)