Trao đổi với PV, Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Mễ Sở cho hay: “Khoảng 1h sáng 29/9, trước khi tôi đi ngủ thì mọi việc tại chùa vẫn diễn ra bình thường. Đến 6h sáng, tôi giật mình khi nghe ni cô trong chùa báo tin các vật dụng tại khu thờ tầng 2 đã bị đảo lộn, tượng Phật bà cũng biến mất”.
Đại diện chính quyền địa phương và Nhà chùa Mễ Sở trao đổi sự việc với phóng viên. Ảnh: Cao Tuân |
Trụ trì chùa Mễ Sở cũng cho chúng tôi xem một đoạn video do camera an ninh ghi lại. Theo đó, thời điểm pho tượng bị đánh cắp khoảng 1h30 rạng sáng 29/9. Camera cũng ghi lại được cảnh sau khi đưa pho tượng ra ngoài, một người đàn ông bịt mặt, đeo găng tay đã quay lại khu thờ để lau chùi nhằm xóa các dấu vết.
Theo nhận định của nhà chùa, nhóm trộm có khoảng 4-5 người và rất thông thạo địa hình. Thậm chí trước khi đánh cắp báu vật, những đối tượng này còn dùng chiếc gậy buộc áo để che khuất camera an ninh.
Cùng có mặt tại chùa Mễ Sở,cụ Nguyễn Hữu Đức (85 tuổi) xót xa tâm sự: “Từ lúc biết tin tượng Phật bị đánh cắp, dân trong vùng chả còn thiết làm lụng gì. Ai cũng buồn, chỉ mong cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc, đưa tượng về, trừng trị kẻ gian”.
Nơi đặt pho tượng quý trước khi bị kẻ gian đánh cắp. Ảnh: Cao Tuân |
Ông Lê Ngọc Anh trưởng thôn Mễ Sở, xã Mễ Sở cũng cho biết, sự việc bức tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt - niềm tin và tự hào của người Mễ Sở bị đánh cắp đã khiến tất thảy người dân địa phương vô cùng bức xúc. Theo thông tin từ vị trưởng thôn, đánh giá từ các chuyên gia đều cho rằng, bức tượng Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt này là nét đặc trưng điêu khắc, là tinh hoa của Hoàng Thành Thăng Long.
Theo lời người dân địa phương, do có giá trị rất lớn về mặt kiến trúc cũng như lịch sử nên bức tượng Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Mễ Sở thường xuyên bị nhòm ngó.
Tượng Quán Thế Âm tôn thờ tại chùa Mễ Sở (huyện Văn Giang - Hưng Yên) có 1.113 tay và 1.113 mắt. Ảnh tư liệu |
Khoảng tháng 10 năm 1988, bức tượng này cũng đã bị đánh cắp 1 lần. Kẻ gian khi đó còn táo tợn cắt cả đường dây điện thoại hòng gây khó khăn cho công tác liên lạc với các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, sau nỗ lực không biết mệt mỏi của công an các tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên), Hải Phòng và Hà Nội, phong tỏa toàn bộ các tuyến cảng biển nên bức tượng đã được tìm thấy tại nhà một nghệ nhân ở phố Vân Hồ, Hà Nội. Người này khai không biết về vụ trộm cắp, mà chỉ được người người đến thuê phục chế.
Để bày tỏ sự ngưỡng mộ bức tượng tuyệt đẹp, vị nghệ nhân sau đó đã về tận Mễ Sở, phục chế lại tượng mà không lấy một đồng tiền công.
Được biết, tượng Quán Thế Âm chùa Mễ Sở là pho tượng cổ có nhiều tay nhất ở nước ta với 1.113 tay và 1.113 mắt. Pho tượng được tạo tác bằng gỗ mít, toàn bộ tác phẩm cao 2,8m. Từ chỏm đầu tượng tới mặt ngồi cao 140cm, bệ cao 53 cm, tòa sen cao 23cm. Khuôn mặt tượng thanh thoát, thuần hậu, thân hình thon thả, tạo nên một pho tượng đẹp cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.
Khuôn viên chùa Mễ Sở. Ảnh: Cao Tuân |
Chùa Mễ Sở được khởi dựng từ thời Lê, nhưng do chùa nằm cạnh đê sông Hồng, thường xuyên bị nước lụt, thời tiết hủy hoại, vì vậy dấu tích kiến trúc hiện còn chủ yếu được trùng tu lại vào cuối thế kỷ XIX. Tòa Tam bảo của chùa không lớn, hệ thống tượng Phật khá đơn giản. Công trình kiến trúc đặc sắc nhất còn lại là gác chuông xây bằng gạch, cao 2 tầng. Chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1988.
Liên quan đến sự việc trên, ông Chu Quốc Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết, sự việc mất pho tượng cổ ở chùa Mễ Sở là một mất mát lớn của địa phương. Hiện cơ quan chức năng huyện vẫn đang tiếp tục làm rõ.
Theo Cao Tuân (Giadinh.net.vn)