Từ nay đến 25/1/2024, Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về quy hoạch khu giải trí đa năng Trường đua ngựa thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Đối tượng lấy khảo sát ý kiến là những người dân trên địa bàn 2 xã Tân Minh, Phù Linh nói riêng và huyện Sóc Sơn nói chung.
Phiếu khảo sát lấy ý kiến gồm 3 phần: Thông tin cá nhân, ý kiến về đồ án quy hoạch và đề nghị từ người được khảo sát.
Các vấn đề được khảo sát gồm tác động của quy hoạch và những vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất, thiết kế đô thị tiện ích, giao thông kết nối giữa khu vực Trường đua ngựa với khu vực lân cận và các quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác...
Theo đó, dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD (tương đương hơn 10.000 tỷ đồng). Trường đua nằm phần lớn trên cánh đồng thuộc xã Tân Minh và một phần nhỏ diện tích thuộc xã Phù Ninh, kéo dài tới chân núi Đôi.
Theo dự án thì trường đua ngựa sẽ nằm phía sau UBND xã Tân Minh và nằm trên trục đường tỉnh lộ 296, gần quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Hiện nay tỉnh lộ 296, con đường nối vào khu dự án khá nhỏ, chỉ đủ hai ôtô nhỏ tránh nhau.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, vừa qua, đơn vị đã phối hợp với UBND 2 xã Tân Minh, Phù Linh và lãnh đạo Công ty TNHH H&G (Hàn Quốc) tổ chức triển khai việc lấy ý kiến của các tổ chức, nhân dân trên địa bàn 2 xã về quy hoạch trên.
Nhân dân 2 xã trước đó đã tham gia góp ý vào quy hoạch do đơn vị chủ đầu tư trình bày.
Theo tờ trình của Hà Nội, Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa sẽ góp tăng nguồn thu ngân sách khoảng 66 triệu USD/năm từ nguồn thu thuế và khoảng 20 triệu USD/năm từ các nguồn khác.
Đặc biệt, dự án được kỳ vọng không những mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội đối với thành phố mà còn thúc đẩy quá trình liên kết, phát triển vùng, do địa điểm dự án tại huyện Sóc Sơn tiếp giáp các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Dự án 125 ha với hồ điều hòa, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng
Vào năm 2019, Bộ KH&ĐT có tờ trình gửi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trường đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội. Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến lên tới 125ha, trong đó sẽ làm trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị, hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.
Dự án dự kiến tạo thu nhập cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp. Ngoài ra, các hoạt động phụ trợ như khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm và công viên phục vụ cho văn hóa giải trí dự tính thu hút khoảng 20.000- 25.000 lao động.
Báo VTC News dẫn thông tin từ báo cáo gửi các bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội tính toán nếu tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa) đưa vào vận hành toàn bộ thì dự kiến thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình địa phương thu được sẽ đạt 40-50 triệu USD mỗi năm. Ngoài ra, tiền thuế tiêu thụ đặc biệt do hoạt động đua ngựa khi dự án đi vào hoạt động dự kiến khoảng 100-200 triệu USD mỗi năm.
Ước tính, trung bình mỗi năm, khi dự án đi vào vận hành cơ quan quản lý sẽ thu về khoảng 250 triệu USD (khoảng 5.700 tỷ đồng) tiền thuế.
Dự án "thai nghén" từ 2018 nhưng có nhiều vướng mắc
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa có cá cược được các đại biểu HĐND TP Hà Nội khoá XV thông qua vào ngày 5/12/2018. Hai nhà đầu tư là Tổng Cty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) được chọn thực hiện dự án.
Theo dự kiến Hà Nội sẽ đưa vào vận hành hạng mục trường đua từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn dừng lại ở cắm mốc dự án, bà con vẫn canh tác trên cánh đồng.
Hồi tháng 11/2022, cử tri Hà Nội đề nghị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án trường đua ngựa trên.
UBND Thành phố Hà Nội cho biết trong quá trình triển khai thực hiện dự án gặp một số khó khăn.
Cụ thể, thông tin trên Tiền Phong cho hay, việc Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) góp vốn thay cho Tổng Cty Du lịch Hà Nội theo nội dung Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chưa thực hiện được do không có quy định tại pháp luật hiện hành.
Về điều kiện giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, UBND thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật, dự án gồm phần diện tích đất có chức năng công cộng và kinh doanh không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.
Do đó, nhà đầu tư phải thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do là nhà đầu tư nước ngoài nên nhà đầu tư không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân mà chỉ nhận quyền sử đất thông qua nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế trong nước.
Từ những vướng mắc trên, Thành phố đã tập trung tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Theo Trang Anh (Đời Sống & Pháp Luật)