Trong tư pháp, các cụm từ “quản thúc tại gia”, “giam tại nhà”, “giám sát điện tử” được hiểu là biện pháp giam giữ phạm nhân tại nhà thay vì trong nhà tù. Hình thức này không phải là mới mẻ trên thế giới.
Mỹ áp dụng giam giữ tại nhà vào cuối thế kỷ XX; phạm nhân đầu tiên được tòa phán quyết thụ án tại nhà cùng thiết bị giám sát vào năm 1983 và hiện nay việc giam giữ tại nhà hiện được áp dụng ở hầu hết các bang trên toàn nước Mỹ.
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore đều đã quy định về việc giam giữ tại nhà trong Luật hình sự. Indonesia cũng đang nghiên cứu.
Tại châu Âu, Anh, Thụy Điển, Hà Lan, một số vùng của Đức, Pháp hay Bỉ cho phép phạm nhân thụ án tại gia từ trước năm 2000. Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore đều đã quy định về việc giam giữ tại nhà trong Luật hình sự. Indonesia cũng đang nghiên cứu.
Với hình thức thụ án tại nhà, tòa sẽ chỉ định giám thị giám sát phạm nhân, đồng thời phạm nhân sẽ được gắn thiết bị theo dõi điện tử và hệ thống định vị toàn cầu vào cổ chân. Chiếc vòng chân này thông báo vị trí phạm nhân cho bộ phận quản lý và cảnh sát.
Nói cách khác, nếu phạm nhân đi xa khỏi nhà hay có vi phạm, cảnh sát sẽ biết. Chi phí sinh hoạt như ăn, ở, quần áo và các hoạt động cá nhân đều do người chịu án chi trả.
“Phạm nhân ngoài nhà tù đương nhiên không phải mặc đồng phục trong tù. Họ có thể mặc comple hay mặc váy tùy ý thích”, ông Kevin Mitchell, luật sư ở San Francisco (California, Mỹ), nói.
Thông thường, tù tại gia được áp dụng cho những đối tượng không nguy hiểm, không phạm tội liên quan đến giết người, bạo lực hoặc những người lần đầu phạm tội; thời gian chịu án phạt ngắn.
Tại Thái Lan, quy định giam giữ tại nhà được áp dụng với phạm nhân bị kết án dưới 3 tháng. Nga quy định là dưới 4 tháng, còn ở Singapore là dưới 4 tuần.
Phạm nhân phạm tội có tính chất bạo lực, tội phạm ma túy, phóng hỏa, tấn công tình dục, cố ý hay vô ý giết người, hoặc từng có lịch sử nhiều lần vào tù ra khám không được xem xét giam tại nhà.
Tạo cơ hội cho người phạm tội nhẹ
“Thụ án tại gia giải quyết được rất nhiều bài toán về chi ngân sách cũng như cơ sở vật chất. Chi phí cho một tù nhân trong tù hay xây dựng thêm nhà tù đều tiêu tốn của ngân sách những khoản tiền không nhỏ”, chuyên gia Jody Klein-Saffran của Bộ Tư pháp Mỹ viết trong nghiên cứu về thụ án tại gia.
Theo chuyên gia này, mục đích của việc giam giữ tội phạm suy cho cùng là hạn chế sự tự do của người thụ án. Nếu thụ án tại nhà và có người quản thúc, có kiểm tra bất chợt, có sự giám sát của gia đình và cộng đồng xung quanh đồng thời có thiết bị theo dõi, sự tự do của phạm nhân rõ ràng cũng bị hạn chế.
Đối tượng giam giữ tại gia là những người phạm tội nhẹ, không nguy hại đến xã hội nên việc giam giữ họ trong nhà tù là sự lãng phí ngân sách. Nhà tù nên là chỗ dành cho những tội nhân phạm tội nghiêm trọng hơn cần phải cách ly với xã hội.
Theo một báo cáo năm 2016 của hạt La Crosse, bang Wisconsin, trung bình một tội phạm ngồi tù tiêu tốn 83 USD/ngày. Với biện pháp giam giữ tại gia có gắn thiết bị theo dõi, chi phí chỉ còn 6 USD/ngày.
Trung bình 1 tội phạm ngồi tù tiêu tốn 83 USD/ngày. Với biện pháp giam giữ tại gia có gắn thiết bị theo dõi, chi phí chỉ còn 6 USD/ngày.
Không chỉ tiết kiệm chi phí, thực tế các phạm nhân thụ án tại gia còn đóng góp khoản tiền không nhỏ vào ngân sách.
Các phạm nhân “ngồi tù tại nhà” vẫn có thể đi làm bình thường trong thời gian bị quản chế. Ngoài ra, người thi hành án có thiết bị theo dõi phải trả tiền "thuê" thiết bị, dao động 5-25 USD/ngày, cao nhất là 800 USD/tháng, theo báo cáo. Một số trường hợp khoản tiền này còn đắt hơn cả tiền thuê nhà của phạm nhân.
Hay như tại Thái Lan, do số lượng quá đông, tội phạm bị kết án dưới 3 tháng đều được gắn thiết bị theo dõi và cho thụ án tại địa phương. Tuy vậy mỗi ngày các phạm nhân đều phải nộp 200 THB (6 USD) chi phí thiết bị theo dõi theo quy định của Luật Hình sự. Nếu phạm nhân không có khả năng chi trả có thể lựa chọn lao động công ích với mức lương 200 THB/ngày bù lại.
“Nhưng quan trọng nhất là thụ án tại gia tạo cơ hội cho những người phạm tội nhẹ không bị cộng đồng xa lánh sau khi đi tù về, vẫn có thể tái hòa nhập cộng đồng”, chuyên gia Klein-Saffran nhận định.
Có giảm tính răn đe của pháp luật?
Chiều 12/11, thảo luận ở buổi họp tổ (kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV) về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Kiến nghị của đại biểu Hồ Đức Phớc nhận được ý kiến trái chiều. Ngoài một số đại biểu ủng hộ, cũng có quan ngại cho rằng hình thức này sẽ làm giảm tính răn đe của pháp luật.
Thực tế, theo thông lệ thế giới, đây gần như không phải là vấn đề gây tranh cãi nhiều. Các nhà lập pháp áp dụng biện pháp giam giữ tại nhà đều khẳng định những người được áp dụng biện pháp này đều phạm tội nhẹ, thời hạn lĩnh án ngắn. Với đối tượng như vậy giam giữ tại nhà hoàn toàn không phải là biện pháp nhân đạo mà chính là một hình thức nhà tù.
Giam giữ tại nhà hoàn toàn không phải là biện pháp nhân đạo mà chính là một hình thức nhà tù.Viện tội phạm học Australia
“Những ai đã trải qua sự giam giữ tại nhà mới thấu hiểu được sự nặng nề về tâm lý như thế nào. Họ không phải là tội phạm chuyên nghiệp, đôi khi chỉ là vô ý cấu thành tội. Hình thức này đánh thẳng vào sự tự trọng của người phạm tội và mang tính tự kiểm điểm nhiều hơn là song sắt nhà tù", Viện tội phạm học Australia khẳng định.
Johnny Page, giờ là một nhân viên tư vấn thanh thiếu niên ở Chicago, được gắn thiết bị định vị để giam giữ tại gia sau 23 năm bị giam trong nhà tù ở Illinois, nói với Wired: “Bạn không phải giành giật nhau chỗ tắm, không phải giành giật điện thoại để gọi về cho người thân, nhưng bạn vẫn đang ở trong tù. Nó chỉ là một hình thức giam giữ khác”.
Trong nghiên cứu của thẩm phán người Đức Hans-Joerg Albrecht về việc thi hành luật tại gia với sự trợ giúp của thiết bị theo dõi tại 5 nước châu Âu (Pháp, Hà Lan, Đức, Anh và Thụy Điển), tỷ lệ hoàn thành án phạt dao động 90-95% với tỷ lệ chống đối khoảng 5-11%.
Nhưng giam giữ tại gia không phải là không có những hạn chế. Phần lớn những tranh cãi xung quanh việc thiết bị giám sát hoạt động như thế nào.
Theo cơ quan quản lý vấn đề cải tạo của Thái Lan, đầu tư cho thiết bị giám sát thời gian thực hiện khá tốn kém. Về khía cạnh xã hội, phạm nhân theo hình thức tù tại gia phải trả một khoản phí cho thiết bị mỗi ngày gây khó khăn cho một số gia đình nghèo không có khả năng trang trải.
Ngoài ra, theo cơ quan này, các thiết bị điện tử vẫn gặp phải rủi ro bị lỗi phần mềm, trả kết quả sai đến cơ quan giám sát, do đó ảnh hưởng đến người thụ án.
Thảo luận về dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi chiều 12/11, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.
Theo dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý, tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Tuy nhiên nội dung này không nhận được sự đồng tình của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Ông cho rằng việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam không chỉ tạo hình ảnh phản cảm còn có nguy cơ phạm nhân bỏ trốn. Đó là chưa kể sẽ tạo ra kẽ hở để cán bộ trại giam lạm dụng.
Đồng tình với đề xuất này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ở một số nước có áp dụng gắn chip theo dõi để quản lý tại gia, và đây là giải pháp để một số lượng lớn người cố gắng cải tạo tốt có thể được ở ngoài.
Theo Lê Phương (Tri Thức Trực Tuyến)