Phát biểu tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, sáng 31/10, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm 2020 kỳ thi tốt nghiệp THPT càng ngày càng được cải tiến kỹ thuật để công tác tổ chức thi ngày càng được tốt hơn. Tuy nhiên, việc ra đề giữa các năm và giữa các môn học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) không được đồng đều nên có tình trạng lạm phát điểm cao.
Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, từ 2020-2024 số thí sinh dự thi tổ hợp khoa học xã hội liên tục tăng cao qua các năm.
Ông Chương nhận định, các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp dẫn đến nhiều em điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích tạo tâm lý xã hội không tốt.
2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, mỗi thí sinh thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ Nông nghiệp, Công nghệ Công nghiệp). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Giai đoạn 2025-2030, kỳ thi tốt nghiệp sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi. Giai đoạn sau 2030, từng bước thí điểm thi trên máy tính tại các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và trên máy tính). Phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện, sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất tính công bằng trong việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh. Cụ thể khi sử dụng điểm này cần bảo đảm tính công bằng nếu dùng nhiều tổ hợp môn (tổ hợp tuyển sinh) để xét tuyển vào cùng một ngành.
Về các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... do các cơ sở giáo dục tổ chức, Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể về mặt quản lý nhà nước để bảo đảm kiểm tra, giám sát được chất lượng kỳ thi về quy trình xây dựng ngân hàng đề; đề thi phải không vượt quá chương trình giáo dục 2018.
Ông Chương lưu ý, điểm này rất quan trọng, nhằm tránh việc học sinh không phải ôn thi riêng có thể phá vỡ việc dạy và học ở các trường phổ thông. Ngoài ra, theo Bộ GD-ĐT cần hướng đến quy trình tổ chức thi bảo đảm an toàn thống nhất và tránh nhiều hình thức gây khó khăn cho học sinh ôn thi.
Đáng chú ý, theo ông Chương, thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm cần phải sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học, tức 31/5 hằng năm, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh.
Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, các trường sử dụng tổng cộng hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (bằng điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế, đánh giá năng lực, tư duy, kết hợp...). Năm ngoái, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm, số sinh viên trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em (gần 50% tổng số đăng ký xét tuyển đại học).
Trong đó, nhiều trường xét học bạ từ tháng 1 với điểm của 3 hoặc 5 học kỳ, không bao gồm kỳ II lớp 12. Một số trường công bố điểm chuẩn học bạ ngay trong tháng 3.
HL (SHTT)