PGS.TS Nguyễn Thế Hưng (giảng viên thuộc Bộ môn Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, ngoài việc chấm nhanh, gọn và không có sự can thiệp của người chấm (tính khách quan) thì hình thức thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn có rất nhiều hạn chế.
“Việc sử dụng hình thức thi này đồng nghĩa với việc chấp nhận những bất cập. Tuy nhiên, nếu có sự vi phạm quy chế thi cử mà thực chất là can thiệp thô bạo vào kết quả đánh giá trình độ người học như ở Hà Giang thì ý nghĩa sàng lọc của kỳ thi không còn giá trị” - PGS Hưng nói.
Theo PGS Hưng, trong sự việc ở Hà Giang, để đạt được ý đồ làm sai lệch kết quả của kỳ thi thì phải có sự tham gia của một nhóm người, có sự tổ chức chặt chẽ chứ chỉ một người như ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GDĐT Hà Giang) không thể nào làm nổi.
“Bên cạnh việc tạo ra dư luận xã hội không tốt (không tin tưởng công tác thi THPT Quốc gia, nghi ngờ phẩm chất người làm công tác giáo dục), tạo ra tâm lý bất ổn cho học sinh và phụ huynh, sự can thiệp gian lận điểm thi này này còn khiến cho các trường ĐH lo ngại về chất lượng đầu vào, đặc biệt các trường ĐH thuộc top trên. Cần nói thêm là, khi chuyển địa điểm thi về các địa phương (thay cho việc tổ chức thi ở các trường ĐH), nhiều người đã lo ngại về công tác quản lý và nghi ngờ, cảnh báo về tính khách quan, công bằng. Vì vậy, sự cố Hà Giang có thể chưa hẳn là cá biệt?” ông Hưng nghi ngại.
PGS Hưng cũng cho rằng: “Theo tôi, các năm tới không nên duy trì việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia theo cơ chế 2 trong 1. Bởi vì, tổ chức theo cơ chế này vừa rất tốn kém, vừa không thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, nếu số lượng thí sinh ít, càng dễ dàng cho công tác tổ chức thi theo hướng khách quan, công bằng. Ngoài ra, công tác ra đề thi, khâu tổ chức chấm thi cũng phải có cải tiến kịp thời và hiệu quả”.
Tương tự, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cũng cho rằng, thi trắc nghiệm nhìn có vẻ là ổn, bởi đề thi khó cho việc quay cóp, mã đề thi nhiều… nhưng việc chấm thi có nhiều vấn đề. Lẽ ra nên chấm thi tập trung thì Bộ lại phân ra cho từng địa phương chấm. Đây là cơ hội để địa phương mắc bệnh thành tích cố tình làm sai lệch kết quả.
Cũng theo ông Tùng, Việt Nam có 1 triệu thí sinh dự thi, mỗi thí sinh thi 6 môn, cho nên sẽ có khoảng 6 triệu bài thi. "Nếu Bộ có những chuyên gia xử lý dữ liệu, có thể soi ra những bất thường và tìm hướng xử lý. Ngoài Hà Giang có thể sẽ có thêm một số điểm khác nữa, cần phải xử lý" - ông Tùng nói.
Một chuyên gia (xin được giấu tên) chia sẻ: “Nếu như chỉ có 1 cán bộ cấp Sở của Hà Giang đã có thể can thiệp một cách đơn giản vào bài thi của cả trăm thí sinh mà không bị phát hiện thì liệu rằng ở các địa phương khác điểm thi có công bằng? Bộ GDĐT cần có những động thái thanh tra, kiểm tra lại kết quả thi ở các tỉnh, nhất là những tỉnh có dấu hiệu bất thường, có thông tin tố cáo. Việc tìm ra sai phạm không khó nếu như so sách kết quả học tập và kết quả thi của thí sinh đó”.
Nói về nghi vấn đề này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) khẳng định: Việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia tại các địa phương do Sở GDĐT chỉ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức với phần lớn các môn thi/bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trong mỗi phòng thi mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng; bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình chặt chẽ là giải pháp tốt để đảm bảo độ tin cậy, tính khách quan của kết quả thi. Tuy nhiên, ông Trinh cũng thừa nhận tính nghiêm túc, trung thực, độ tin cậy của kết quả thi chỉ đạt được nếu trong mỗi khâu của quá trình tổ chức thi mỗi cá nhân phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi.
Theo Đặng Nguyễn (Dân Việt)