+ Trả lời báo chí vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, ông không ngại ngần từ chức và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu dự án thép Cà Ná xảy ra hệ luỵ xấu. Là người chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về việc này tại diễn đàn Quốc hội, ông thấy sao?
- Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Trước hết tôi hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đã tự đề cao trách nhiệm của mình bằng lời hứa trước nhân dân và cử tri đối với dự án này. Đó là một trong những hành động dũng cảm và có trách nhiệm của bộ trưởng. Qua đây cũng có thể thấy chắc hẳn bộ trưởng đã có phương án, làm sao để đảm bảo dự án thép Cà Ná an toàn, có hiệu quả.
+ Tuy nhiên nhiều người cũng lo ngại có thể vài chục năm sau, dự án mới xảy ra hệ luỵ về môi trường, còn nhiệm kỳ của bộ trưởng chỉ với 5 năm?
- Điều này cũng nhiều người đề cập, cho rằng hệ luỵ về môi trường có thể phải 20 năm sau mới xảy ra, chứ không phải trong thời gian tại vị của bộ trưởng. Cá nhân tôi thì nhìn nhận ở cả hai khía cạnh.
Thứ nhất, một dự án có thể xảy ra như thế, tức phải 20 năm sau mới gây hệ luỵ, lúc đó ông bộ trưởng không còn chức nữa để từ chức. Nhưng cũng có thể lúc đó ông ấy vẫn còn chức. Mặt khác, hệ luỵ của một dự án có thể xảy ra ngay tức thì chứ không phải kéo dài như thế. Chẳng hạn như Formosa, có cần đến 20 năm đâu mà chỉ trong thời gian chạy thử thôi đã xảy ra sự cố.
Trên cơ sở đánh giá một cách khoa học về một dự án cũng có thể nhận biết được. Trên cơ sở ý kiến của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, nói môi trường sẽ đi trước và đi song song cùng với dự án, cũng có thể phán đoán, dự kiến được một cách chuẩn xác hậu quả có thể xảy ra với một dự án.
Thứ nữa, bộ trưởng nói như thế, sẵn sàng nhận trách nhiệm như thế, có nghĩa rằng ông đã chuẩn bị một tâm thế là sẽ lãnh đạo, chỉ đạo công tác này một cách sát sao, để đảm bảo rằng sẽ không bao giờ có hậu quả xảy ra. Chúng ta muốn bộ trưởng khi thực hiện lời hứa của mình, không chỉ tính đến sau này, mà ngay cả giai đoạn hiện tại, bộ trưởng sẽ luôn ghi nhớ trách nhiệm để thực hiện dự án có hiệu quả.
Dự án thép Cà Ná đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. |
+ Tinh thần thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh quả đáng ghi nhận. Không ai muốn một dự án gây ra hệ luỵ môi trường, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta và cả thế hệ sau này. Nhưng giả sử dự án gây hệ luỵ, thậm chí là thảm hoạ môi trường, lúc đó nhiều ý kiến cho rằng, cái ghế và trách nhiệm của ông bộ trưởng chẳng thấm vào đâu so với hậu quả để lại?
-Đúng vậy! Song vấn đề trách nhiệm không phải chỉ một mình bộ trưởng mà nhiều người khác. Tuy nhiên, cái gì cũng thế, một dự án kiểu gì cũng có những rủi ro, kể cả trong trường hợp đã có sự tính toán cẩn trọng rồi. Tôi ví dụ vừa qua ở Mỹ, họ còn phải phá đi một đập thuỷ điện mấy trăm triệu USD để bảo tồn một loài cá mà nó không thể sống được nếu cứ để đập thuỷ điện như thế. Có những vấn đề người ta có thể nhìn thấy trước, thậm chí trước hàng trăm năm, nhưng có những việc không thể thấy trước được hoàn toàn.
Theo tôi, điều quan trọng nhất, trên cơ sở tinh thần trách nhiệm đó người ta phải tính toán, làm sao ngay từ những bước ban đầu đã thể hiện được trách nhiệm, chứ không phải "đánh trống bỏ dùi". Mặt khác, chúng ta cũng cần phải đặt một niềm tin vào các thành viên của Chính phủ. Chúng ta cũng không nên quá khắt khe đến mức không tôn trọng lời hứa và trách nhiệm của họ.
Một vị bộ trưởng dám nhận trách nhiệm trước quốc dân đồng bào như thế là cả một câu chuyện rất lớn. Giả sử câu chuyện này không bị sức ép từ một ĐBQH mà trong quá trình thực hiện, người ta chủ động, sẵn sàng đặt ra vấn đề trách nhiệm, đưa ra lời hứa thì càng quý hơn.
Từ chức là một văn hoá đặc biệt
+ Là một đại biểu Quốc hội, lại trực tiếp chất vấn, vậy cá nhân ông sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng thế nào về dự án này?
- Bản thân tôi dự kiến sẽ có tiếp xúc với bộ trưởng và với cá nhân Thủ tướng Chính phủ để có những trao đổi và thường xuyên nhắc. Chất vấn của tôi có địa chỉ cụ thể, rõ ràng chứ không phải ném vào không trung. Bởi vậy tôi sẽ theo dõi sát những thông tin liên quan đến dự án này.
Nếu giả sử có những thông tin được phát hiện, tôi sẽ là người đại diện cho cử tri, cho người dân phản ánh trực tiếp tới bộ trưởng, tới Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền để đưa ra những lưu ý, cảnh báo. Hoặc nếu có những vẫn đề xảy ra, trên cơ sở ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, tôi cũng sẽ có những đề đạt chính thức, xác định trách nhiệm cũng như những vấn đề pháp lý có liên quan đến dự án này.
+ Nhân câu chuyện của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quan điểm của ông thế nào về khái niệm văn hoá từ chức?
- Cũng như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã đề cập nhiều lần, chúng ta phải xây dựng một văn hoá từ chức. Xét cho cùng, văn hoá từ chức cũng chỉ là một trong những khía cạnh của văn hoá lãnh đạo. Văn hoá từ chức không phải thứ văn hoá cao siêu, nhưng nó là một thứ văn hoá đặc biệt. Điều này để khẳng định người lãnh đạo là người có trách nhiệm, trung thực, sẵn sàng đứng ra thực hiện trách nhiệm nhân dân giao, nhưng cũng sẵn sàng rời bỏ chức vụ đó, nếu bản thân mình không đủ năng lực cũng như tư cách phẩm chất đạo đức. Thậm chí người ta không cần phải chờ đợi người khác thúc giục, hay phải ra những quyết định đau đớn thì mới rời bỏ chức vụ.
Xây dựng văn hoá từ chức, một mặt chúng ta nâng cao tính tự giác, mặt khác chúng ta đã xây dựng được một thứ văn hoá là người lãnh đạo thì phải sống có liêm sỉ, sống cần kiệm liêm chính. Mà như thế anh cũng tạo được niềm tin đối với công chúng, đối với nhân dân, đồng thời tạo niềm tin với Quốc hội, với những người trực tiếp bầu cho anh.
Cảm ơn ông.
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)