Liên quan tới việc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thay mặt Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý gây bức xúc trong dư luận, lãnh đạo VEC đã thừa nhận sai sót về vấn đề này.
Theo nguồn tin của PV Dân Việt, chiều tối nay, ngày 12.2, VEC vừa có văn bản số 335 gửi tới VEC E về đề xuất từ chối phục vụ vô thời hạn đối với phương tiện trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác.
Văn bản này thừa nhận: “Việc VEC E đề xuất từ chối phục vụ vô thời hạn đối với 2 phương tiện mang BKS: 51A-55850 và 51G-77256 trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý là chưa đủ cơ sở”.
Cũng trong chiều cùng ngày, VEC tiếp tục gửi văn bản số 336 tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo về thông tin các phương tiện BKS: 51A-55850 và 51G-77256 gây rối trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vào ngày 10/2,
Báo cáo Tổng cục, lãnh đạo VEC cho biết: vào lúc 18h20’ ngày 10.2, chiếc xe BKS 51A-55850 di chuyển vào làn thu phí số 7, hướng từ Long Thành về TP HCM, khi đến cabin thu phí, mặc dù đã nhận được tín hiệu từ nhân viên thu phí nhưng người điều khiển phương tiện không trả thẻ thu phí và tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí, đồng thời để nhiều người già, phụ nữ và trẻ em xuống xe, cố tình gây rối tại làn thu phí và lôi kéo các phương tiện ở các làn khác gây ách tắc giao thông.
Tiếp sau đó, có thêm chiếc xe BKS: 51C-78196 đã có các hành vi tương tự tại làn 10, xe 51G-77256 tại làn 8. Mặc dù, nhân viên tại trạm thu phí đã giải thích về một số sự cố đang xảy ra trên tuyến dẫn đến việc lưu thông chậm trên tuyến và mời những người trên các phương tiện này vào trong khu văn phòng của trạm để giải thích cụ thể tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác.
Tuy nhiên, những người trên các xe này đã không chịu hợp tác còn có hành động phá hoại tài sản, có hành vi đe dọa đánh đuổi nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực.
Báo cáo Tổng cục, lãnh đạo VEC khẳng định: “Sau khi xảy ra sự việc, VEC E đã chuyển hồ sơ vụ việc tới Cục CSGT – Bộ Công an để thực hiện điều tra, xử lý theo quy định hiện hành. Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại VEC E và VEC chưa có bất cứ căn cứ văn bản chính thức nào thông báo từ chối phục vụ đối với 2 phương tiện hoặc chủ phương tiện nêu trên”.
“Đối với đề xuất của VEC E từ chối phục vụ 2 phương tiện nêu trên là chưa đủ cơ sở pháp lý, VEC sẽ rà soát lại các quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với các quy định của pháp luật”, văn bản số 336 nêu rõ.
Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, cho biết: “Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát lại tất cả các quy định pháp luật về việc VEC từ chối phục vụ 2 phương tiện trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý. Việc xử lý này đã được phân cấp, Tổng cục và VEC sẽ phải có báo cáo gửi lên Bộ về những vấn đề này”.
Lãnh đạo Vụ Quản lý - bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng đã yêu cầu VEC báo cáo lại quá trình từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên các tuyến cao tốc. Sau đó, Tổng cục sẽ đối chiếu với các quy định của pháp luật và luật giao thông xem VEC có đủ thẩm quyền được cấm phương tiện hay không?
“Việc cấm các phương tiện là thẩm quyền của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật. Người ta có thể xử lý hành vi vi phạm đối với đối tượng sử dụng phương tiện và chủ phương tiện chứ không có luật nào xử lý phương tiện cả. Bởi tài sản nó được dịch chuyển và có thể mua bán theo quy định pháp luật. Lỗi không bao giờ thuộc về tài sản”, lãnh đạo Vụ Quản lý - bảo trì đường bộ thông tin.
Theo Minh Hiếu (Dân Việt)