Cụ thể theo văn bản, xét đề nghị của Sở Công Thương, UBND TP.HCM yêu cầu kể từ ngày 26/7 chỉ cho phép dịch vụ shipper (dịch vụ vận chuyển bằng mô tô 2 bánh có ứng dụng công nghệ) vận chuyển hàng hoá thiết yếu và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định hoạt động trên địa bàn TP.HCM trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Trong đó yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và quản lý, kiểm tra hoạt động của các shipper.
Cụ thể, rà soát đội ngũ nhân viên giao hàng của đơn vị và thực hiện điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22/7 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Về đặc điểm nhận diện đội ngũ shipper của đơn vị, ngoài các giải pháp nhận diện như hiện nay (thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, Giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng mà shipper đang giao nhận,...), các đơn vị chủ động triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của Công ty cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR Code.
Ứng dụng phải hiển thị đầy đủ các thông tin về shipper, phương tiện, địa chỉ công ty, nơi cư trú của shipper, giao hàng, người đặt hàng, lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu; chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển....
Thực hiện bằng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ "Shipper" màu trắng.
Về địa bàn hoạt động, các đơn vị triển khai hoạt động cho dịch vụ shipper cần tổ chức hoạt động theo khu vực để thuận tiện cho công tác quản lý cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn 1 (một) quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Riêng đối với các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ, nhân viên giao hàng của các siêu thị, các đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện quản lý theo các biện pháp yêu cầu nêu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công Thương xác nhận.
Chủ động phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm nhanh theo định kỳ cho đội ngũ shipper của đơn vị (khuyến khích thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần).
Thường xuyên nhắc nhở đội ngũ shipper tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình tham gia giao thông cũng như giao nhận hàng hóa; đồng thời, trang bị chai xịt khuẩn cho shipper để khử khuẩn trong quá trình giao nhận hàng hóa.
Định kỳ hàng ngày, thực hiện đăng ký danh sách đội ngũ shipper và địa bàn hoạt động về Sở Công Thương và Sở Giao thông vận tải để tổng hợp thành dữ liệu dùng chung của các cơ quan quản lý và phục vụ tra cứu, nhận diện shipper khi cần thiết.
Công bố thông tin số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để các lực lượng chức năng hỗ trợ, kiểm tra xác minh khi cần thiết.
Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp để nhân viên giao hàng của đơn vị vi phạm về mục đích vận chuyển và không đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định trong quá trình hoạt động.
Theo Hoàng Lê (Nhịp Sống Việt)