Bộ luật Lao động 2019 được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV ngày 20/11/2019 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Bộ luật này là quy định về nguyên tắc trả lương và thưởng đối với người lao động.
Cụ thể, tại Điều 94 của Bộ luật này chỉ rõ: "Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp".
Trước đó nội dung này chưa được quy định tại Bộ luật Lao động 2012. Việc cho phép người lao động ủy quyền cho người khác nhận lương được cho là hợp lý, nhất là trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương…
Đồng thời, khoản 2 Điều 96 của Bộ luật này chỉ rõ: "Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng".
Như vậy, theo quy định trên, kể từ ngày 01/01/2021, lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản vợ nhưng chỉ trong trường hợp không thể nhận lương trực tiếp hoặc đồng ý cho vợ "giữ lương" bằng cách ủy quyền.
Tuy nhiên, về bản chất, nếu người được ủy quyền hợp pháp muốn nhận lương thay thì vẫn phải làm thủ tục ủy quyền theo quy định của bộ luật Dân sự hiện hành. Trên thực tế, việc ủy quyền này đã được áp dụng cho việc lãnh lương hưu.
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, nếu người lao động không thể đến công ty nhận lương trực tiếp và chủ sử dụng lao đônj đồng ý để người được người lao động ủy quyền nhận lương thay thì vẫn chuyển lương cho người nhận thay một cách bình thường mà không phải đợi đến năm 2021 mới thực hiện được. Hợp đồng ủy quyền được lập dựa trên quy định tại Mục 13 Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015.
Theo Hạ Vũ (Pháp Luật & Bạn Đọc)