Nhóm không tặc nhảy khỏi máy bay tự sát, vì thế mà kẻ chủ mưu nghĩ rằng sẽ không ai biết đến mình. Nhưng với sự điều tra tài tình, lực lượng CA tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã đưa kẻ chủ mưu ra ánh sáng.
|
Lực lượng CA diễn tập phòng chống khủng bố máy bay. Ảnh: S.T. |
Khi nhận được báo cáo của phi công chuyến bay, Sân bay Đà Nẵng đã khẩn cấp điều động lực lượng chiến đấu và ứng cứu chờ sẵn. Lực lượng CA tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũng nhanh chóng điều lực lượng tới ứng cứu và có cả chó nghiệp vụ. Sau khi máy bay hạ cánh, nhà ga tổ chức ngay việc cấp cứu cho những người bị thương, đồng thời cơ quan an ninh tổ chức điều tra thu thập tang vật chứng cứ của vụ án. Tuy nhiên, việc điều tra thủ phạm gặp nhiều khó khăn. Liệu ngoài những tên nhảy khỏi máy bay tự sát thì còn có đối tượng nào khác tham gia? Chúng có trà trộn trong hành khách để tẩu thoát?
Nhớ lại vụ án này, bác Nam Hà - nguyên Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và ông Trần Xuân Thành - nguyên cán bộ của Phòng Bảo vệ chính trị (CA tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) kể, đây là sự kiện chấn động Đà Nẵng lúc bấy giờ. Bởi đó là lần đầu tiên xảy ra vụ không tặc như vậy ở Đà Nẵng nên việc điều tra, truy bắt kẻ chủ mưu được thực hiện khẩn trương. Rà soát danh sách các hành khách đi trong chuyến bay, cơ quan điều tra xác định được 3 kẻ không tặc nhảy khỏi máy bay là Châu Đình Kính, Trần Văn Thảo và Chênh Sênh Công, tuy nhiên thông tin có hay không về những đối tượng khác cùng tham gia thì vẫn rất mù mờ. “Trong danh sách chuyến bay hôm ấy có người tên là Lý Quảng (trú thôn 1, xã Hòa Ninh), tuy nhiên lúc chúng tôi đến tìm hiểu thì Lý Quảng không đi chuyến bay đó, hằng ngày vẫn ở nhà. Anh Quảng cho biết đã mất giấy tờ tùy thân mấy hôm trước khi xảy ra vụ không tặc. Điều đó có nghĩa, kẻ nào đó mượn tên của anh Quảng để được đi chuyến bay đó” - ông Huỳnh Xuân kể.
Qua điều tra và thu thập chứng cứ, CA tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũng dần xác định được các đối tượng tham gia vụ cướp máy bay. Ngoài 4 tên có hành động cướp máy bay và đã chết là Châu Đình Kính, Chênh Sênh Công, Trần Văn Thảo và Châu Đình Dũng, CQĐT còn phát hiện thêm các tên khác là Nguyễn Văn An, Huỳnh Thị Sương, Phan Ngọc Huệ, Hồ Thị Trúc Mai và Cao Văn Sơn. Trong đó, Nguyễn Văn An (trú Khuê Trung, Cẩm Lệ) là kẻ đã mạo danh anh Lý Quảng để đi trên chuyến bay và chính y là kẻ chủ mưu thực hiện vụ cướp máy bay.
|
Bác Nam Hà (trái) và ông Trần Xuân Thành kể về vụ cướp máy bay năm 1978. |
Tuy nhiên, An rất ngoan cố, không thừa nhận hành vi của mình. Ông Trần Xuân Thành kể: Nguyễn Văn An - nguyên đại úy công binh ngụy, sau khi cùng đồng bọn thực hiện vụ cướp máy bay bất thành, y và những tên còn lại cố tình trà trộn vào hành khách để thoát thân. Để chứng minh An chính là kẻ chủ mưu, CQĐT đã tiến hành giám định chữ viết được tìm thấy ở hiện trường và xác định đây là chữ viết của An, cộng với những chứng cứ quan trọng khác nên An đã phải nhận tội. Từ đó, CQĐT đã khởi tố vụ án và bắt giam các đối tượng An, Huệ, Hồ Thị Trúc Mai, Cao Văn Sơn.
Qua đấu tranh khai thác, An khai nhận vào đầu tháng 6-1978 đã gặp Châu Đình Kính tìm hiểu và biết được ý đồ của nhau nên cả hai lên kế hoạch tổ chức việc cướp máy bay để trốn đi nước ngoài. Để tổ chức và thực hiện kế hoạch, Kính móc nối được với 3 đối tượng là Dũng, Thảo, Công. An chịu trách nhiệm lo giấy tờ và vé máy bay cho đồng bọn và cũng rủ thêm được Huệ, Sương (vợ của An), Mai và Sơn. Để ngụy trang vũ khí, An đã cưa một bức tượng, cho lựu đạn vào trong rồi bỏ vào hộp, bên ngoài ghi: “Xin nhẹ tay, dễ bể. Ty Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng kính tặng Phòng Học vụ TPHCM”.
Sau đó, An giao cho Kính đưa lên máy bay để hành động. An còn đem theo dao nhọn làm vũ khí để ở túi trái cây. Lúc máy bay đã cất cánh, An giấu mặt ở khoang hành khách và ngầm chỉ đạo cho Kính, Công, Thảo, Dũng ra mặt hành động. Khi 2 tên Châu và Dũng cho nổ lựu đạn nhằm phá hủy máy bay, lựu đạn nổ làm Dũng chết tại chỗ và bị thương một số người khác, trong đó có Nguyễn Văn An. 3 kẻ nhảy khỏi máy bay là Thảo, Công và Kính. Cơ quan điều tra sau đó đã khám xét nhà An và thu được nhiều vật chứng liên quan đến vụ án. Kết thúc điều tra, lực lượng CA tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho VKS Quân sự Trung ương để truy tố trước Tòa. Ngày 9-9-1978, VKS Quân sự Trung ương truy tố An cùng đồng bọn ra tòa. Ngày 4-10-1978, Tòa án Quân sự xử phạt Nguyễn Văn An mức án tử hình, các đối tượng Huệ, Sương, Mai, Sơn từ 2 đến 8 năm tù.
Việc lực lượng CA tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phá án và bắt nhanh những tên chủ mưu vụ cướp máy bay có ý nghĩa quan trọng, kịp thời trấn an và mang lại niềm tin cho nhân dân. Và vụ cướp máy bay năm 1978 cũng để lại nhiều bài học về đảm bảo an ninh, an toàn trong những chuyến bay.
>> Tiết lộ về chuyến bay bị không tặc ở miền Trung
Theo Hoàng Anh (Công An Đà Nẵng)