Trường 'quốc tế' tại Hà Nội chỉ là… tên đăng ký thành lập

04/09/2019 09:09:45

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tiếp tục thông báo liên quan đến trường quốc tế, trong đó lại khẳng định các trường “quốc tế” hiện nay là tên gọi chưa chính xác, mà chỉ có các trường có yếu tố nước ngoài.

Trước mong mỏi của phụ huynh, quan tâm của dư luận xã hội về danh sách các trường quốc tế hiện nay đang hoạt động tại Hà Nội, đặc biệt là sau khi trường Gateway được cơ quan chức năng tiết lộ không phải là trường quốc tế, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục thông báo danh sách các trường có yếu tố nước ngoài như: 100% vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, về tên gọi trường "quốc tế", hiện nay theo ý hiểu của nhiều phụ huynh học sinh thì trường "quốc tế" là trường có giảng dạy chương trình nước ngoài hoặc có giáo viên người nước ngoài tham gia giảng dạy. Các văn bản của Nhà nước chưa có định nghĩa khái niệm trường "quốc tế". Chỉ có ba loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và trường dân lập.

Việc đặt tên các trường đã được quy định rõ ràng trong Điều lệ trường của các cấp học và Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và "tên riêng" và không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Trường 'quốc tế' tại Hà Nội chỉ là… tên đăng ký thành lập
Sau vụ việc học sinh lớp 1 tử vong trên xe bus, trường Gateway "lộ diện" không phải là quốc tế.

Thực tế đang có một số trường đăng ký tên "quốc tế" trong giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép hoạt động được các cấp có thẩm quyền cấp phép theo đúng quy định; có trường không có tên "quốc tế" nhưng đã tự tuyên truyền bằng mác "quốc tế" khi nhà trường có tham gia giảng dạy chương trình nước ngoài và có giáo viên người nước ngoài.

Tên gọi của các trường được xác định trong Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định thành lập. Nếu trong các giấy tờ này không thể hiện nội dung đăng ký tên "quốc tế" mà nhà trường cố tình trưng biển "quốc tế" là vi phạm. Các trường phải thực hiện việc gắn biển đúng như quyết định thành lập trường.

Theo thống kế của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 8/2019, trên địa bàn thành phố có 14 trường mầm non và 11 trường phổ thông có 100% vốn nước ngoài đã đăng kí hoạt động với Sở GD&ĐT Hà Nội, có 3 trường mầm non có vốn đầu tư Việt Nam và nước ngoài.

Hiện tại có một số trường như trường như: UNIS, Alexandre Yersin, HIS, Nhật Bản... được thành lập bởi liên Bộ GD&ĐT và Bộ Ngoại giao, đang làm thủ tục đăng ký hoạt động với Sở GD&ĐT Hà Nội theo quy định của Nghị định 86.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn thêm 2 loại hình trường hoạt động nữa. Một là các trường Việt Nam nhưng đã đăng ký với các tổ chức quốc tế để trở thành trường được dạy chương trình quốc tế. Hai là các trường phổ thông tư thục có giảng dạy một số môn theo chương trình nước ngoài được Bộ GD&ĐT thẩm định và cấp phép (có 15 trường mầm non, 24 trường phổ thông).

Như vây, theo cách mà Sở GD&ĐT Hà Nội giải thích và công bố danh sách các trường có yếu tố nước ngoài, có thể thấy các trường này có hay không có từ "quốc tế" đều liên quan đến tên gọi đăng ký thành lập trường. Đa số trường có yếu tố 100% vốn nước ngoài đều có tên quốc tế, nhưng vẫn có một số trường lấy theo tên gọi như các trường khác.

Tên gọi này bắt nguồn từ đăng ký thành lập trường chứ không phải mang "đẳng cấp" quốc tế, hay vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế như nhiều người vẫn từng nghĩ. Đối chiếu danh sách mà Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, con số trường có tên quốc tế (theo quyết định thành lập) chỉ là rất ít so với số lượng lên đến cả trăm trường như trước đó nhiều trường "tự phong" (sau đó đã gỡ biển hiệu).

Theo ông Kiều Văn Minh - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội), nếu trường nào không có tên quốc tế hiển thị trong quyết định thành lập trường là vi phạm. Các trường phải thực hiện gắn biển đúng tên trường trong quyết định thành lập. Những trường nào quảng cáo sai về chương trình, bằng cấp, chứng chỉ đã được cấp phép giảng dạy tại trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Về công tác thanh tra, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hàng năm Sở có kế hoạch kiểm tra định kỳ công tác quản lý và chỉ đạo chuyên môn của các cơ sở giáo dục đang hoạt động trên địa bàn thành phố, trong đó có các chương trình nước ngoài. Tùy theo thực tế, Sở sẽ tổ chức thanh tra đối với cơ sở giáo dục có sai phạm (nếu có). Ngày 9/8/2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra Công văn số 34/SGD ĐT-GDPT về việc rà soát các cơ sở giáo dục giảng dạy chương trình nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Danh sách các trường có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội:

Trường 'quốc tế' tại Hà Nội chỉ là… tên đăng ký thành lập - 1

Trường 'quốc tế' tại Hà Nội chỉ là… tên đăng ký thành lập - 2

Danh sách các trường có giảng dạy chương trình nước ngoài (đã được thẩm định):

Trường 'quốc tế' tại Hà Nội chỉ là… tên đăng ký thành lập - 3

Trường 'quốc tế' tại Hà Nội chỉ là… tên đăng ký thành lập - 4

Trường 'quốc tế' tại Hà Nội chỉ là… tên đăng ký thành lập - 5

 Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)