Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) là ngành đặc thù bởi phải trả học phí mới được nhận dịch vụ. Phụ huynh phải trả tiền trước mới được cung cấp dịch vụ.
Dám chấp nhận rủi ro
Ở đây có 2 vấn đề. Khi phụ huynh đầu tư vào trường học hoặc đóng học phí trọn khóa cho một trung tâm ngoại ngữ là câu chuyện phụ huynh có chấp nhận rủi ro hay không? Sẽ có 2 nhóm phụ huynh. Một nhóm do không hiểu biết nên sớm tham gia và gặp rủi ro không mong muốn. Nhóm phụ huynh thứ hai thì ý thức được rủi ro đó nhưng giống như cuộc chơi xổ số tức là "liều ăn nhiều" nên sẵn sàng đầu tư. Nhóm phụ huynh này thừa biết trong đầu tư "một vốn bốn lời" sẽ có rủi ro và họ hài lòng với hợp đồng đầu tư đó.
Nếu chủ trường (chủ đầu tư)vẫn nghiêm túc thực hiện như cam kết thì không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta rất khó biết được các chủ đầu tư có thực hiện như hợp đồng hay không hay sẽ mang số tiền đó đi đầu tư nơi khác. Nếu như vậy sẽ là một quả bom nổ chậm bởi hiện nay có hàng loạt trung tâm ngoại ngữ, nhiều trường quốc tế hoạt động theo hình thức tương tự.
Từ đây, câu chuyện về trường học có chức năng đầu tư tài chính hay không và nếu có thì nó phải được quản lý thế nào là vấn đề các nhà quản lý cần lưu tâm. Chẳng hạn, nếu trường học có chức năng đầu tư tài chính thì phải tuân thủ các quy định và được kiểm soát như một tổ chức tín dụng hoặc công ty tài chính, quỹ đầu tư… và phải được quản lý bởi luật phù hợp. Người quản lý phải có bằng cấp, kinh nghiệm chứ không thể như một tổ chức giáo dục thông thường. Vì tổ chức giáo dục thông thường chỉ có thầy cô giảng dạy, không "giàu" chuyên môn về tài chính.
Tách bạch quy định về tài chính
Nếu trường học được đầu tư tài chính thì phải tách bạch ra 2 vấn đề: Các trường học do sở GD-ĐT quản lý nhưng công ty sở hữu trường học và có thực hiện huy động vốn thì sở GD-ĐT không thể xử lý được. Còn nếu trường học vừa thực hiện hoạt động giáo dục vừa thực hiện hoạt động đầu tư tài chính thì có hợp pháp hay không? Nếu có thì khuôn khổ pháp lý đã đủ hay chưa, hay là rủi ro đẩy về phía các nhà đầu tư quá cao? Nếu vậy, rõ ràng là hoạt động phi pháp phải cấm.
Nếu trường học không được huy động vốn thì phải có những quy định rõ ràng để các trường biết là sai, không được làm như vậy và phải trả lại tiền cho phụ huynh.
Ngược lại, là hoạt động hợp pháp thì phải có cơ chế để quản lý và bảo vệ. Nếu được phép làm thì giới hạn đến đâu, quyền của họ như thế nào? Phụ huynh tham gia những gói như vậy là hợp pháp hay không? Cần phải quy định rõ để bảo vệ lợi ích của phụ huynh.
TP HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Trường AISVN
UBND TP HCM vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Trường Tiểu học, THCS-THPT Quốc tế Mỹ, còn được gọi là Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN). Theo báo cáo, Trường AISVN được thành lập trên cơ sở đề nghị của Công ty CP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS, do bà Nguyễn Thị Út Em - Chủ tịch HĐQT - đứng tên đại diện đã ký kết nhiều loại hợp đồng dưới hình thức vay vốn với một số phụ huynh có con em đang học tại trường với điều khoản: Vay vốn, không tính lãi suất của khoản tiền vay trong suốt thời gian học sinh tham gia chương trình đào tạo...
Theo ý kiến của Công an TP HCM, hợp đồng ký kết giữa nhà trường và phụ huynh là hợp đồng dân sự, không có nội dung ràng buộc trách nhiệm giữa các bên nên chưa có cơ sở để cơ quan công an tiến hành điều tra vụ việc. Cơ quan chức năng đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em do nợ thuế thu nhập cá nhân.
Đ.Trinh
Theo Bùi Khánh Nguyên (Nld.com.vn)