Trưởng ban Tổ chức T.Ư: Phải khống chế số lượng tướng công an

07/06/2018 17:17:15

Chiều nay (7.6), phát biểu tại phiên thảo luận tổ Quốc hội, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư đã có góp ý liên quan đến đề xuất phong Thiếu tướng với giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính: Về đề xuất phong cấp hàm Thiếu tướng với giám đốc Công an tỉnh, ông tán thành và cho rằng cần theo hướng chọn những địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, bên cạnh phải có tiêu chí, tránh số lượng tướng tăng lên so với Luật cũ.

“Thứ nhất là khống chế về tiêu chí, thứ hai là khống chế về tổng số cấp tướng mà lực lượng Công an được phong để đảm bảo chặt chẽ, như vậy phù hợp với Luật Công an Nhân dân ban hành ở nhiệm kỳ trước”, Trưởng ban Tổ chức T.Ư nói.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư: Phải khống chế số lượng tướng công an
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 7.6 (Ảnh: LK)

Ông Phạm Minh Chính cho biết thêm là ông thấy tán thành với dự thảo Luật và báo cáo giải trình: “Đối với quân đội, dưới Bộ Quốc phòng còn có các Quân khu, Quân đoàn, còn đối với Công an lực lượng ở một tỉnh, quân số đông, thời bình rất phức tạp về an ninh trật tự đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn khó khăn”.

Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, sự khác nhau giữa quân đội và công an là như phân tích trên, chính vì thế dự thảo Luật đề xuất phong hàm Thiếu tướng với giám đốc Công an tỉnh nhưng không phong quân hàm Thiếu tướng đối với Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cũng có lý và có thể giải thích được.

“Chẳng hạn quân số Công an tỉnh đông hơn, tình hình an ninh trật tự phức tạp hơn, lực lượng công an không có các cấp trung gian là cấp quân khu. Còn tất nhiên khi ra Quốc hội nếu có nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với quy định này thì sửa lại một số chủ trương, chủ trương đó nếu chưa phù hợp với thực tế thì không ngại gì khi sửa”, ông Chính nói.

Theo ông Phạm Minh Chính, với quy định Cục đặc biệt của Bộ Công an, Cục này cũng phải có tiêu chí đặc biệt. Trước đây chúng ta giải tán, lực lượng công an có các tổng cục nhưng theo nguyên tắc hiện nay là không thành lập các tổng cục nên có Cục đặc biệt. Trên thực tế vừa có tính phổ biến vừa có tính đặc thù. “Cục đặc biệt là thế nào, dự luật cần định hướng còn cụ thể do Chính phủ quy định. Ví dụ như Cục đó là đơn vị chống tội phạm ma túy, hay chống tội phạm tham nhũng…”, ông Chính cho biết.

Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, Cục đặc biệt người đứng đầu có thể lên cấp hàm Trung tướng nhưng cần cân đối khi để cấp trung gian thì số Trung tướng là bao nhiêu, còn phong cấp hàm Trung tướng cho người đứng đầu Cục đặc biệt là bao nhiêu cần cố gắng cân đối để đảm bảo sự hợp lý.

“Cân nhắc phân tích thêm việc Thủ tướng bổ nhiệm Cục trưởng Cục đặc biệt. Hiện nay theo tinh thần phân cấp thì chúng ta tập trung giao cho cho cấp dưới một cách đối đa và tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát. Cần phân tích kỹ hơn vấn đề này để có quyết định cuối cùng”, ông Chính nói.

Theo Lương Kết (Dân Việt)